TIN HAY MỖI NGÀY | TIN TỨC NÓNG | TIN THỜI SỰ| TIN BÀI| TIN TỨC SEO

https://tinbai.net


"Già làng" xứ Nghệ ở Eakar

Tôi đến thị trấn Eakar giữa những ngày cuối năm, gió cao nguyên mang theo hương cà phê ngát thơm, dịu ngọt.
Nơi tôi tìm đến là Trung đoàn 721, đóng ở một làng quê khá trù phú, nằm giữa hai xã Cư Ni và Ea Kmút phía nam của huyện và tôi được nghe rất nhiều câu chuyện kể về một “già làng” mang…áo lính, người đã dày công gieo mầm trên xứ sở này. Đó là cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Thanh Chương, nguyên Chính ủy trung đoàn, Phó giám đốc Xí nghiệp Liên hiệp cà phê Sư đoàn 333.

'Già làng' xứ Nghệ ở Eakar
Đại tá Nguyễn Thanh Chương bên vườn cà phê.

 
Ông Chương năm nay đã ngoài tuổi 80, quê ở xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, cùng Trung đoàn 721 tham gia xây dựng kinh tế Tây Nguyên từ những năm đầu thập niên 1980.
Cách đây hơn 50 năm, chàng thanh niên Nguyễn Thành Chương chia tay quê hương, quần nâu áo vải lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1965, giữa lúc đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, miền Nam bước vào giai đoạn chống Mỹ-ngụy ngày càng quyết liệt, Trung úy Chương cùng đoàn quân vượt sông Bến Hải vào chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị. Năm 1967, trong trận chiến đấu ở Mặt trận đường 9-Nam Lào, ông bị thương, một mắt đã gửi lại chiến trường.
Cuộc đời người chiến sĩ, đi đến khắp chốn cùng nơi, nhưng quê nghèo Hà Tĩnh vẫn là nơi ông luôn đau đáu dõi về. Nhưng đến năm 1981, ông mới có dịp về thăm và không khỏi chạnh lòng khi thấy quê mình còn nghèo khó quá. Nhìn bữa cơm của bà con xóm làng còn thiếu lượng, thiếu chất, gạo ít khoai nhiều, trẻ em đi học thiếu thốn nhiều bề, người lính già vốn nặng lòng với quê hương, bao nỗi suy tư, trăn trở cứ canh cánh trong lòng và ông đã có một quyết định không do dự: Đi tìm miền đất mới, nhanh chóng đưa một số thanh niên ở quê vào Tây Nguyên khai hoang làm kinh tế.
Trung đoàn 721 về đóng quân ở Eakar sau giải phóng, vừa làm nhiệm vụ quốc phòng, vừa cùng bà con Tây Nguyên xây dựng kinh tế nên số hiệu 721 đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Từ khi có sự hiện diện của đơn vị, có những con người cần mẫn, tận tụy như ông Chương, người đã hết lòng chăm lo đời sống hằng ngày của bộ đội và nhân dân địa phương, cuộc sống người dân nơi đây thay đổi rất nhiều.
Từ nhiều vùng quê, hàng vạn người đã đến với Tây Nguyên, đến với vùng đất đỏ bazan với một khát vọng “nghe rừng lắm đất lên đây với rừng”. Trung đoàn 721 cũng là nơi giang rộng vòng tay đón người về. Mùa xuân 1982, những chàng trai, cô gái quê Hương Sơn-Hà Tĩnh cùng hăng hái lên đường. Đợt nhập ngũ đầu tiên có hơn 10 người như chị Phương, anh Hợi, anh Hậu, chị Thủy, anh Quang, anh Lâm, chị Liên, anh Ngự… Ba lô trên vai cùng với bầu nhiệt huyết, họ đã hồ hởi vào với Tây Nguyên và gia nhập Trung đoàn 721. Với bản chất cần cù, chịu thương chịu khó, những tân binh này đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường sống trong quân đội. Rèn đức, luyện tài cùng đơn vị phát triển kinh tế trong thời bình và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Trung đoàn 721 cùng với các đơn vị khác thuộc Sư đoàn 333 đã góp phần thay đổi vùng đất Eakar và nhiều vùng đất khác ở Tây Nguyên. Riêng tại xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, trung đoàn đã thu hút được gần 90 hộ, có hơn 300 nhân khẩu vào lập nghiệp. Nhiều gia đình từ nghèo đói nơi quê cũ nay đã có của ăn của để…
Trung đoàn 721 trước kia nay đã lớn mạnh. Xí nghiệp 721 nay đã trở thành Liên hiệp Công ty cà phê 721 có thương hiệu và uy tín trên thương trường. Giám đốc Nguyễn Thị Thủy chính là một trong số 153 nữ doanh nhân tiêu biểu năm 2008. Chị Thủy cũng là người đã vào làm công nhân quốc phòng từ năm 1982 theo lời vận động của ông Nguyễn Thanh Chương. Chị tâm sự: “Vùng đất đỏ bazan này một thủơ hoang sơ nay đã hồi sinh, phát triển màu mỡ chính là nhờ có Trung đoàn 721 và sự chỉ lối, tận tụy của bác Chương. Bà con ở đây vẫn thường gọi bác với cái tên trìu mến “già làng”. Bên ấm chè xanh tại nhà ông Chương sáng nay thật ấm cúng, bà con chuyện trò râm ran. Một bà cụ bỏm bẻm nhai trầu, chậm rãi nói: “Ông Chương là người đi trước đã giúp không chỉ có người xứ Nghệ mà rất nhiều miền quê, từ miền Bắc, miền Trung và đồng bào dân tộc thiểu số biết khai hoang, làm kinh tế để có cuộc sống khấm khá”.
Thấm thoắt hơn 30 năm đã trôi qua, từ những hạt cà phê giống đầu tiên mà Đại tá Nguyễn Thanh Chương tận tay gieo, nay nảy mầm và phát triển thành những đồi bạt ngàn. Nhờ cà phê, tiêu, điều... nhân dân hai xã Cư Ni và Ea Kmút đã đổi đời. Ông Chương dẫn tôi đi qua những con đường đất đỏ, nơi ấy đang mọc lên những ngôi nhà kiểu mới khang trang nằm xen giữa những lô cà phê xanh tốt sắp trổ một mùa hoa mới…
Bài và ảnh: DUY HOÀN   (qdnd)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây