Tổ Sư Đạt Ma

Thứ năm - 02/01/2014 10:14
Tổ Bồ Đề Đạt Ma được Thiền tông Trung Quốc công nhận là Sơ tổ của Thiền tông Đông độ. Nhưng lúc vừa tới Trung Quốc không phải ngài liền tạo được sự ảnh hưởng rộng lớn trong Phật giáo
Tổ Sư Đạt Ma
Tổ Sư Đạt Ma

mà sức ảnh hưởng của Ngài giống như một hạt giống gieo xuống, mỗi ngày một sinh sôi nảy nở và cuối cùng là trùm khắp tất cả. Chúng ta không thể dùng nhãn quan của các thiền giả đời sau để nghĩ về ngài và xem thường ngài. Ý nghĩa chân chánh mà thiền Đạt Ma đại biểu có sức ảnh hưởng rộng lớn đối với Phật giáo Trung Quốc, nên muốn nghiên cứu Phật giáo Trung Quốc thì vấn đề lớn nhất là phải hiểu rõ Thiền tông Trung Quốc.

Tùy theo sự phát triển của Thiền pháp mà các truyền thuyết về Tổ Bồ Đề Đạt Ma trong truyện ký trước sau không hoàn toàn giống nhau. Đây là một hiện tượng rất bình thường trong các tôn giáo. Liên quan đến những truyện ký thuở thiếu thời của tổ Bồ Đề Đạt Ma có “Lạc Dương Già lam ký”, gọi tắt là “Già lam ký” (Đại Chánh, 51, 1000 giữa) của Dương Huyễn Chi (547); “Lược biện Đại thừa nhập đạo tứ hạnh cập tự” (Đại Chánh, 85, 1284 cuối-1285 giữa) của ngài Đàm Lâm (khoảng 585); Bồ Đề Đạt Ma truyện, quyển 16 trong “Tục Cao tăng truyện” (Đại Chánh, 50, 551 giữa và cuối) của ngài Đạo Tuyên. Đạt Ma truyện trong “Tục Cao tăng truyện” chủ yếu căn cứ vào hai quyển được nêu ở trên, chỉ bớt hoặc thêm một vài chi tiết khác mà thôi.

Bồ Đề Đạt Ma còn gọi tắt là Đạt Ma. Trong truyền thuyết của các Thiền giả đời sau, Ngài còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau. Trong “Bồ Đề Đạt Ma Nam tông định thị phi luận” của ngài Thần Hội, tác giả cũng gọi tên ông là Bồ Đề Đạt Ma. Ngài Thần Hội dẫn “Thiền tự kinh” để chứng minh tính truyền thừa của Bồ Đề Đạt Ma như trong “Thần Hội Hòa thượng di tập”. Theo đó, Ngài Thần Hội cho rằng Đạt Ma Đa La là Bồ Đề Đạt Ma. Vì vậy mà trong truyền thuyết có khi người ta  gọi Ngài là Bồ Đề Đạt Ma, cũng có khi gọi là Đạt Ma Đa La. Trong “Lịch đại Pháp bảo ký” (774), tác giả đã tổng hợp hai tên này lại và gọi chung là Bồ Đề Đạt Ma Đa La. Đây là sự kết hợp nhầm lẫn trong các truyền thuyết, hoàn toàn không phải ngài Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Quốc truyền Thiền tông. Trong truyền thuyết cho rằng hai người – Bồ Đề Đạt Ma và Đạt Ma Đa La là một. Thậm chí tên của các ngài cũng bị viết khác đi như: Đạt Ma Đa La (達摩多羅) thành (達磨多羅), Bồ Đề Đạt Ma (菩提達摩) thành (菩提達磨).

Từ trước tới nay (thời đại của tác giả),Chữ Dharma thường được dịch là Đạt Ma (達摩) hoặc Đàm Ma (曇摩). Chữ dharma được viết thành đạt ma (達磨) bắt đầu từ Tống Nguyên Gia (khoảng trước sau năm 430), dịch ra từ “Tạp A tỳ đàm tâm luận”. “Tạp A tỳ đàm tâm luận” là tác phẩm của ngài Đạt Ma (Đàm Ma) Đa La – tức Luận sư Pháp Cứu. Luận sư Đàm Ma Đa La và Thiền sư Đạt Ma Đa La cũng bị ngộ nhận là một người.

Trong “Sa bà đa bộ ký mục lục tự”, quyển 12 trong “Xuất Tam tạng ký tập” của Lương Tăng Hựu ghi: những tác phẩm còn lưu truyền lại trong chùa Tế Công ở Trường An (phương Bắc) vẫn viết là Đàm Ma Đa La (曇摩多羅) Thiền sư, nhưng trong số 53 người có mặt trong “Cựu ký” của Tăng Hựu (phương Nam), tên Ngài được viết là Đạt Ma Đa La (達磨多羅) (Đại Chánh, 55, 89 trên-90 trên). Ngài Thần Hội (ở phương Bắc) cũng viết là Đạt Ma Đa La (達摩多羅) và Bồ Đề Đạt Ma (菩提達摩), nhưng những hệ khác sau ngài Thần Hội, và “Tào Khê biệt truyện” có liên quan đến phương Đông đều viết là Đạt Ma Đa La (達磨多羅). Những tác phẩm của hàng đệ tử (Mã Đại sư) ở Hồng Châu cùng với “Song phong sơn Tào hầu khê Bảo lâm truyện” có liên quan đến Giang Đông đều viết là Bồ Đề Đạt Ma (菩提達磨). Từ đây, Bồ Đề Đạt Ma (菩提達摩) được viết thành Bồ Đề Đạt Ma (菩提達磨) và trở thành định luận của thiền môn đời sau. Đạt Ma (達摩) đổi lại viết thành Đạt Ma (達磨), có thể nói đây là cách dùng Tân dịch để cải chính cho Cựu dịch, nhưng từ chỗ biến đổi trong cách viết này đã biểu thị được sự hưng thịnh của Thiền tông phương Nam. Thiền phương Nam đã phát triển hơn phương Bắc, và những ghi nhận trong truyền thuyết của phương Nam đã trở thành định luận trong Thiền môn.

Về nguyên quán

Về nguyên quán của Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, trong “Già lam ký” có ghi: “Sa môn Bồ Đề Đạt Ma vốn là người Hồ ở Tây vực, nước Ba Tư”. Trong bài tựa của Đàm Lâm cũng viết: “Người nước Nam Thiên Trúc ở Tây vực, là con thứ ba của vua nước Đại Bà La Môn”. Hồ và Bà la môn – Phạn, Phật giáo đời Đường phân biệt rất rõ ràng nhưng trong lớp người bình dân thì quen gọi Tây Trúc là Hồ. Cho nên nói “người Hồ ở Tây vực” hay “dòng Bà la môn, nước Tây Trúc ở Tây vực” không nhất định là khác nhau. Trong sách sử Trung Quốc, những địa danh gần nhau mà được dịch là Ba tư thì những địa danh đó không hẳn là cùng một địa điểm. Ba tư – thời cổ đại là một địa phương thuộc nước An Tức. Đây là tên mà mọi người đều quen thuộc. Trong “Già lam ký”, quyển thứ năm có ghi: giữa Quy Đát và Xa Nhĩ có một địa danh là Tiểu quốc Ba Tư (Đại Chánh 51, 1019, cuối). Trong Nam hải cũng có dịch là quốc gia Ba Tư. Trong “Nam hải trung chi Ba Tư” do Phí Lang khảo định thì trong vùng nam hải, nơi mà được gọi là Ba Tư có hai địa điểm: một là Pathin thuộc Miến Điện ngày nay; hai là Pasa thuộc bờ Đông bắc Tô Môn Đáp Thích ngày nay. Địa phương được dịch là Ba Tư không chỉ có một chỗ, chúng ta cũng chẳng biết chắc ở vùng Nam Thiên Trúc có hay không âm đọc tương đương với từ Ba Tư. Thông thường mà nói, Đàm Lâm là đệ tử của ngài Đạt Ma, do đó những thông tin của Ngài chắc chắn có phần chính xác hơn so với những điều Dương Hoằng Chi nghe được. Trong “Tục Cao Tăng truyện”, tác giả cũng cho rằng Đạt Ma là người Nam Thiên Trúc. Và căn cứ vào thiền pháp được ngài Đạt Ma truyền lại thì càng thích hợp khi nói ngài là người Nam Thiên Trúc.

Về niên đại

Về niên đại của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, trong truyện ký đều không ghi rõ. “Tục Cao Tăng truyện” có nhiều truyền thuyết không giống nhau như: “Đạt Ma truyện” nói: “du hóa là nhiệm vụ, không định chỗ dừng chân an trụ”; trong “Huệ Khả truyện” cũng nói: “Tổ Bồ Đề Đạt Ma nhập diệt ở Lạc Tân”, thuyết này hợp với tài liệu mới mà ngài Đạo Tuyên có được. “Huệ Khả truyện”, quyển mười sáu trong “Tục Tăng truyện” (Đại Chánh, 50, 552, đầu) nói: “Tổ Đạt Ma tịch ở Lạc Tân, có thể được an táng ở Hà Sĩ”.

Huệ Khả là đệ tử của tổ Bồ đề Đạt Ma. Sau khi tổ Đạt Ma nhập diệt, Nhị tổ từng ở Hà Sĩ (một bên sông Hoàng Hà) hoằng hóa đến khoảng niên hiệu Thiên Bình mới đi Tân Nghiệp. Lúc dời đô đến đất Nghiệp (cố đô thuộc phía Tây huyện Lâm Chương tỉnh Hà Nam ngày nay) là năm đầu niên hiệu Thiên Bình, tức năm 534. Khoảng thời gian từ lúc Tổ Đạt Ma nhập diệt đến lúc Tổ Huệ Khả đi Tân Nghiệp có thể cũng vài năm. Vì thế năm Tổ Đạt Ma nhập diệt có thể là năm 530. Tổ Đạt Ma từng tán thán chùa Vĩnh Ninh, mà chùa Vĩnh Ninh được kiến thiết vào năm đầu niên hiệu Hy Bình, tức năm 516. Đến năm thứ ba niên hiệu Vĩnh Hy, tức năm 534, chùa bị sấm sét làm cháy rụi. Lúc tán thán chùa Vĩnh Ninh, Tổ nói ngài đã 150 tuổi, nếu như truyền thuyết này là sự thật thì Tổ Đạt Ma thọ hơn 150 tuổi.

Tổ Đạt Ma đến Trung Quốc bằng đường biển và từ Nam đi dần lên phương Bắc là điều mà các truyền thuyết đều giống nhau. Trong “Đàm Lâm tự” nói rõ: “vượt núi non biển cả, du hóa Hán Ngụy”. Hán và Ngụy là đại biểu cho hai vùng Nam và Bắc lúc bấy giờ. Trong “Tục Cao Tăng truyện” còn nói rõ hơn: “Đầu tiên đến biên giới nước Tống và Nam Việt, gần cuối đời lại đi lên phương Bắc, đến nước Ngụy. Mỗi nơi dừng lại Ngài đều đem thiền ra giảng dạy”. Tổ Đạt Ma đến Trung Quốc lần đầu tiên vào thời Lưu Tống (420-478) và nơi mà ngài đặt chân lần đầu tiên chính là Nam Việt, là bờ biển đối diện đảo Hải Nam hiện nay. Trước năm 478 đã đến Trung Quốc và mãi đến cuối đời mới vượt sông đến bắc Ngụy, điều này chứng tỏ Tổ Đạt Ma đã lưu trú ở miền Nam rất lâu.

Trong thời gian ở bắc Ngụy, Tổ có du hóa đến Tung Lạc. Tương truyền, Ngài cũng từng ở chùa Thiếu Lâm một thời gian, đây là ngôi chùa do vua Ngụy Văn Đế xây dựng vào năm 496 để cúng dường Thiền sư Phật Đà. Trong “Đàm Lâm tự” có nói về tình hình truyền thiền của Tổ Đạt Ma ở Bắc Ngụy trong thời gian này như sau: “ người tu hành quên tâm, tịch mặc không ai không tin tưởng; chỉ có kẻ chấp trước mới sanh tâm chê bai phỉ báng”. Vừa bắt đầu truyền giáo, Tổ Đạt Ma đã cho thấy sự vượt trội trong pháp thiền của ngài so với những giáo pháp thông thường khác. Lúc đó, người có thể thể ngộ được thiền pháp của ngài chỉ có hai vị là Đạo Dục và Huệ Khả. Hai vị này cũng chỉ được gần gũi Tổ trong vài năm, như trong “Đàm Lâm tự” viết: “mai mắn được gặp Pháp sư, hầu ngài được vài năm,……. Pháp sư cảm nhận được sự thành tâm của hai vị nên dạy cho chân đạo”. Trong “Tục Cao Tăng truyện” cũng viết: “Tìm cơ hội gần gũi hầu thầy, trải qua bốn năm năm,….cảm nhận được tâm chí thành nên dạy cho chân pháp”. Trong “Huệ Khả truyện” thì nói: “Thờ ngài làm thầy, hết lòng nghe lời chỉ dạy, theo học sáu năm, chuyên nghiên cứu nhất thừa”. Đại khái, Huệ Khả theo học năm sáu năm mới được Tổ truyền cho cái thâm thúy nhất trong thiền pháp của ngài. Trên đây chủ yếu là nương vào truyền thuyết của ngài Huệ Lâm, đệ tử của tổ Đạt Ma kể lại. Theo “Truyền pháp bảo ký” của Đỗ Phỉ, Bắc tông có ghi như sau: “Tổ Huệ Khả thờ thầy sáu năm, tâm nguyện cầu được thông ngộ pháp thiền……Tổ thầm đem phương tiện gợi mở, khiến tâm thức bất chợt vào thẳng pháp giới. Trong khoảng thời gian bốn năm năm, nghiên cứu và tìm tòi văn kinh, đem kinh Lăng Già truyền cho ngài Huệ Khả và nói: “Ta thấy người đi giáo hóa trên đất Hán, chỉ có kinh này là thích hợp”. Đỗ Phỉ dựa vào tư liệu vốn có mà giải thích là: Huệ Khả thân cận tổ Đạt Ma sáu năm, sau đó ngộ đạo. Lúc chưa đắc pháp, Ngài được tổ Đạt Ma giảng dạy kinh Lăng già. Cho nên nói: “Trong thời gian bốn năm năm nghiên cứu tìm tòi văn kinh” hay “bốn năm năm chuyên tâm nghiên cứu minh triệt”. Cách lí giải của Đỗ Phỉ hợp với những thuyết bốn năm năm hoặc sáu năm khác, cũng hợp với truyền thuyết được truyền kinh Lăng già và li ngôn đốn nhập. Truyền thuyết thời kỳ đầu là như vậy, còn các thuyết khác như ngồi xoay mặt vào tường chín năm .v.v.. đều là truyền thuyết sau này mới có.

Truyền thuyết

Do thiền pháp của Tổ Đạt Ma ngày một phát đạt nên các truyền thuyết về ngài cũng lần lượt phát triển theo. Có cái là truyền thuyết, có cái là thêm thắt thêm, cũng có cái hoàn toàn là ngụy tạo. Ở đây chỉ lược thuật để thấy rõ về ý nghĩa của truyền thuyết mà thôi. Có thể thấy có 3 truyền thuyết viết vào thời ngài Hoàng Mai): 1. “Truyền pháp bảo ký” nói: “Tổ Đạt Ma bị thuốc sáu lần, lần sau cùng cũng vì bị thuốc mà tịch; 2. “Truyền pháp bảo ký” nói: “Tống Vân đi Tây Vực về và gặp Tổ Đạt Ma trên núi Thông Lĩnh. Đệ tử Tổ mới mở nắp quan tài, trong quan tài vốn không có nhục thân ngài”; 3. “Nam tông Đốn giáo tối thượng Đại thừa Ma ha Bát nhã ba la mật đa kinh” – “Kinh Pháp bảo đàn” được Lục tổ Huệ Năng thuyết tại chùa Đại Phạm ở Thiều Châu kể: “Vua Lương Vũ Đế gặp Tổ Đạt Ma hỏi: cất chùa và độ Tăng có phúc hay không?” Trong ba truyền thuyết này, thuyết thứ nhất và thứ ba có chút ít căn cứ, còn thuyết thứ hai là ngụy tạo. Tống Vân đi Tây Vực vào năm đầu niên hiệu Thần Quy (518) và về vào năm thứ nhất niên hiệu Chánh Quang (520), lúc đó Tổ Đạt Ma đang truyền thiền ở Bắc Ngụy nên truyền thuyết Tống Vân gặp tổ trên núi Thông Lĩnh là không phù hợp với sự thật. Đây chỉ là ý tưởng mới dựa vào tư tưởng “du hóa là nhiệm vụ, không hẹn chỗ dừng” trong “Tục Cao Tăng truyện”. Tổ Đạt Ma sau khi tịch lại có người gặp ở nơi khác, đây là thần thoại ảnh hưởng tư tưởng Đạo giáo của Trung Quốc.

Những truyền thuyết được lưu truyền trong Tông Hà Trạch bao gồm: 1. Sáu lần bị thuốc, chỉ rõ người thuốc là Bồ Đề Lưu Chi và Tam tạng Quang Thống; 2. Tống Vân gặp Tổ Đạt Ma trong tay cầm một chiếc giày, khi mở quan tài thì trong quan tài chỉ còn lại một chiếc, thế là có câu chuyện “Chích lý quy Tây” (một chiếc giày về Tây). “Lịch đại Pháp bảo ký” (775) và các truyền thuyết khác (dựa theo lời môn hạ ngài Thần Hội kể) là những truyền thuyết được thêm thắt một chút từ “Truyền pháp bảo ký”; 3. Gặp Lương Vũ Đế hỏi đáp vấn đề có hay không có phước đức; 4. Tổ Đạt Ma tịch, chôn ở núi Hùng Nhĩ, Lương Vũ Đế dựng bia; 5. “Lịch đại Bảo ký” nói: “Tổ Đạt Ma trước khi đến Trung Quốc đã phái hai người đệ tử là Phật Đà và Da Xá đến nước Tần nhưng bị đuổi. Sau đó, Phật Đà đến Lô Sơn gặp Viễn Công và viết một bộ “Thiền môn kinh”. Đây là ám chỉ ngài Phật Đà Bạt Đà La. Ngài Thần Hội cho rằng Bồ Đề Đạt Ma là Đạt Ma Đa La trong “Thiền kinh tự” mà Đạt Ma Đa La và Phật Đại Tiên vốn đồng môn, Phật Đà Bạt Đà La lại là đệ tử của Phật Đại Tiên nên mới có truyền thuyết tổ Đạt Ma phái Phật Đà đi Trung Quốc. Phật Đà Bạt Đà La đến Trung Quốc (409-429) và năm 410 đã khoảng năm mươi tuổi. Nếu tổ Đạt Ma sống hơn một trăm năm mươi tuổi là sự thật thì năm 410 Tổ mới khoảng ba mươi tuổi, như vậy ngài Phật Đà Bạt Đà La làm sao có thể là đệ tử của tổ Bồ Đề Đạt Ma. Đây là câu chuyện nhằm để chứng minh sự truyền thừa của thiền pháp mà gán ghép thêm.

“Bảo lâm truyện” của tông Hồng Châu (801) đối với các truyền thuyết từ trước truyền lại, ngoại trừ thuyết Phật Đà và Da Xá ra còn lại đều được kế thừa. “Bảo lâm truyện” cho rằng: Tổ Đạt Ma thị tịch vào năm thứ hai niên hiệu Đại Đồng nhà Lương (536), là năm thứ mười chín niên hiệu Thái Hòa nhà Ngụy. Lúc đó Thái tử Chiêu Minh làm văn tế và từ xa cúng tế Tổ Đạt Ma. Năm thứ mười chín niên hiệu Thái Hòa (495) vốn không phải là năm thứ hai niên hiệu Đại Đồng, và Thái tử Chiêu Minh thì đã mất vào tháng tư năm thứ ba niên hiệu Trung Đại Thông (531) nên văn tế tổ Đạt Ma của Thái tử Chiêu Minh đương nhiên là ngụy tạo. Lại nói, Lương Vũ Đế nghe Tống Vân thuật lại trên đường đi Tây Vực về gặp Tổ Đạt Ma, nên ông dựng bia cho Tổ nhưng Tống Vân đi Tây Vực về nước năm thứ hai niên hiệu Chánh Quang (520), lúc này Tổ Đạt Ma chưa tịch. Những truyền thuyết này không phải là truyền thuyết, cũng không phải là gán ghép và hoàn toàn là ngụy tạo. Đến “Tổ Đường tập” (952) lại có thêm chuyện về cuộc vấn đáp giữa Tổ Đạt Ma và Lương Vũ Đế về “khuếch nhiên vô thánh”. Đối với các Thiền sư đương thời (thế kỷ thứ X) mà nói, đây là một công án tuyệt vời nên mới đem công án này dựng nên cuộc đối thoại giữa Đạt Ma và Lương Vũ Đế.

Trích dịch từ quyển “Lịch sử Thiền tông Trung Quốc” của ngài Ấn Thuận


Tác giả bài viết:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đối tác
vip
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây