Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã qua đời

Thứ sáu - 15/04/2016 10:11
Chiếc xe đưa ông về đến ngôi nhà thân quen ở số 2C3 Thích Quảng Đức, Q.Phú Nhuận trong tiếng khóc nấc của gia đình, học trò của ông và những người hàng xóm quanh nhà
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã qua đời
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã qua đời
Từ bà bán tạp hóa đến chị bán bún đầu ngõ nhà ông đều lặng lẽ đứng nhìn.

Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh ngày 1-1-1940 tại tỉnh Phan Rang.

Nguyễn Ánh 9 trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM đúng 14g ngày 14-4.

Lễ viếng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bắt đầu từ 9g sáng 15-4 tại nhà riêng ở 2C3 Thích Quảng Đức, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Lễ động quan vào sáng 
18-4, hỏa táng cùng ngày tại Bình Hưng Hòa.

“Ông già mắc nhiều bệnh nguy hiểm nhưng ông ra đi hơi bất ngờ. Ổng là người vui vẻ, dễ thương. Tụi tui qua nhà chơi với ổng hoài” - cô bán quán ngay trước hẻm nhà thở dài nói.

Anh Quang Anh - con trai của nhạc sĩ - cố gắng kiềm chế đau thương để cùng những bác sĩ thay quần áo mới cho ông, lần cuối!

Có một điều đặc biệt là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có rất nhiều con nuôi. Đó là những ca sĩ theo ông học nhạc từ rất lâu. Bất ngờ trước thông tin ra đi đột ngột của nhạc sĩ vào chiều 14-4, anh Trí - một trong những người con nuôi theo ông học nhạc từ khi lên 8 đến giờ gần 50 tuổi - tâm sự:

“Theo bố hơn 40 năm rồi, biết bao kỷ niệm với bố. Có lúc bố đẻ tôi phản đối không cho tiếp tục học nhạc. Bố 9 là người đã đến năn nỉ, xin cho tôi được đi học tiếp. Thời còn khó khăn, hai bố con chở nhau trên chiếc xe đạp đi khắp nơi. Bố là người hiền lành và tử tế”.

Trong khi đó, chị Diệu Hiền, vốn là một ca sĩ cũng là một trong số những người con nuôi của nhạc sĩ, nói: “Bố là người ai cũng yêu quý, kính trọng. Các chị tôi ở đây có người thu xếp từ nước ngoài về để nhìn bố lần cuối”.

Từ một người nhạc công trở thành một nhạc sĩ, con đường đến với âm nhạc của Nguyễn Ánh 9 như một định mệnh. Dù ông sáng tác không nhiều nhưng đó đều là những nhạc phẩm đi sâu vào trái tim người yêu nhạc.

 
Nguyễn Ánh 9: Vĩnh biệt một tiếng dương cầm
Nguyễn Ánh 9 có nhiều sáng tác đi sâu vào trái tim người yêu nhạc. -Ảnh tư liệu.

Thương tiếc người nhạc sĩ tài hoa, ca sĩ Tùng Dương khi nghe tin ông qua đời chia sẻ một đoạn thơ ngắn, được ghép bằng tên những ca khúc nổi tiếng gắn liền với tên tuổi Nguyễn Ánh 9, như một cách tỏ lòng tiếc thương ông, khiến người nghe không khỏi nghẹn ngào:

Cô đơn trong một chiều xưa/Cất lên Tình khúc chiều mưa xa vời/Ta Chào mi nhé, Buồn ơi!/Bơ vơ còn lại ta ngồi lặng câm/Nghe Lặng lẽ tiếng dương cầm/Biệt khúc tan biến âm thầm trong mưa /Không còn bóng dáng ngày xưa/ Đường quen lối cũ Ai đưa em về...”.

Không kiềm được những giọt nước mắt xúc động, ca sĩ Giáng Son - cựu thành viên của nhóm 5 Dòng Kẻ - vừa khóc vừa nhớ về lần đầu tiên gặp nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9:

“Đó là vào khoảng năm 2003, khi 5 Dòng Kẻ chân ướt chân ráo vào Sài Gòn được mời tham gia một chương trình và hát hai ca khúc của bố. Lúc đó chúng tôi phối lại Tình khúc chiều mưa theo lối accabella, bố nghe xong thích lắm gọi cho chúng tôi khen hát hay, còn trêu là trông cả nhóm nhìn quê quê thế mà sao hát hay vậy!

Lần gặp ấy là cái duyên để từ đó chúng tôi trở thành những người con của bố, được bố chỉ dạy tận tình trên con đường âm nhạc. Người ta chỉ biết nhiều đến Nguyễn Ánh 9 qua các ca khúc của ông mà ít ai biết ông là một người chơi đàn cực kỳ xuất sắc, đặc biệt là những bản nhạc ông tự chuyển soạn cho đàn piano.

Vốn kiến thức của ông về âm nhạc không dừng lại ở phạm vi trong nước mà uyên thâm, sâu rộng vô cùng. Ở cạnh bố, chúng tôi học được tính khiêm nhường, khiêm tốn. Ông nói tiếng Anh, tiếng Pháp trôi chảy nhưng rất ít người biết điều đó.

Ông còn đặc biệt khuyến khích và chú trọng đến sự phát triển của những tài năng âm nhạc trẻ. Nếu ngày đó 5 Dòng Kẻ không gặp ông thì chưa chắc đã có những bước đi vững chãi trong âm nhạc như bây giờ.

Mà không chỉ riêng chúng tôi, tất cả những nghệ sĩ trẻ đều được ông ưu ái. Bố cũng dạy chúng tôi sự tận tụy với nghề và tránh xa sự hào nhoáng của showbiz. Với tôi, Nguyễn Ánh 9 là một con người hiếm có, tài năng và đáng kính trọng”.

Buồn ơi, 
chào anh

Anh hay ngồi một mình bên đàn piano và ít nói.

Ngày ấy, 1977 gặp anh chơi đàn ở đâu đó gần cầu Bông, khách về hết, chỉ còn anh và mình. Không hiểu tại sao anh đưa cho mình cái phong bì, người ta bồi dưỡng anh sau một đêm ngẫu hứng jazz trên cây dương cầm. Mình mê nhạc jazz và ngày đó thì nghèo thật. Nhưng sao lại dính dáng đến cái phong bì kia. Tuyệt nhiên, không thể nhớ gì hết.

Buồn ơi, lại đến lượt anh đi rồi ư.

Ừ, trời kêu thì đi thôi, gần đây đồng nghiệp đi nhiều. Nhưng với anh, mình coi là bậc thầy, dù chẳng được dạy giờ nào. Giá như hợp đồng lưu diễn ở Paris thành hiện thực, thì mình sẽ có một đêm nhạc thú vị với anh năm ngoái, anh còn hứa sẽ bỏ thuốc lá cùng mình.

Giờ thì thua. Đời người có nhiều thua thiệt. Ai biết cái thua thiệt lớn nhất lại không ngờ chính là đêm nhạc ấy, lẽ ra, mình cùng xuất hiện với anh - người mình yêu và vô cùng kính trọng.

Buồn ơi, anh đi nhé.

Em ở xa và cũng bệnh tật đầy mình, chả biết có được đưa anh đi. Anh và một số ít người sẽ chẳng đi đâu hết. Các anh sẽ ở lại trên làn mây trắng kia, cùng với những khúc ca rút ruột của một đời người. Cái gì đẹp thì mãi vấn vương, làm sao có thể 
chia lìa.

Anh thì vốn lặng im và buồn như một khúc romance. Mà nỗi buồn thì bất tử.


Tác giả bài viết:

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Đối tác
vip
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây