Ở Việt Nam, đặc điểm đường giao thông ở các đô thị rất bụi bặm vào mùa hè, gặp mưa thì lầy lội là những tác nhân trực tiếp ảnh hưởng đến người sử dụng xe máy, cụ thể là tuổi thọ chiếc xe. Thiếu hiểu biết hay chủ quan trong quá trình sử dụng đều là các nguyên nhân gây ra các hư hại, nhất là liên quan đến động cơ. Đây chính là bộ phận gây tốn kém để sửa chữa nhất, vì khi bổ máy, thay thế trục cam, cò, làm lại hơi tốn từ 1 triệu đến vài triệu đồng. Do đó, các hạng mục dưới đây cần được quan tâm nếu muốn máy khỏe và bền bỉ.
Kiểm tra mức dầu và thay dầu định kỳ
Nhớt: Để máy hoạt động êm ái và mát, điều đầu tiên cần chú ý là thay nhớt đúng hạn. Cần lựa chọn loại nhớt có cấp tính năng và cấp độ nhớt phù hợp với động cơ xe, tốt nhất nên tham khảo từ sách hướng dẫn.
Lọc dầu trên xe Yamha Exciter
Dầu động cơ và bộ lọc dầu định kỳ: Cần kiểm tra mức dầu động cơ ít nhất một lần mỗi tháng, đừng chỉ dựa vào đèn báo trên bảng đồng hồ. Để kiểm tra, rút que thăm dầu ra lau sạch, sau đó cắm trở lại và rút lên lần nữa. Nếu thấy có một lớp dầu mỏng bám ở que thăm dầu quanh mức “F” và dầu không quá đặc thì mọi thứ vẫn ổn. Ngược lại, cần châm thêm hoặc thay mới dầu hoàn toàn. Một lưu ý quan trọng là khi thay dầu cũng cần thay lọc dầu.
Với những xe làm mát bằng chất lỏng, thường xuyên lưu ý châm thêm nước
Nước làm mát (với những xe làm mát bằng chất lỏng): Không đủ nước làm mát sẽ làm động cơ nhanh nóng và dẫn đến những tổn hại nghiêm trọng. Kiểm tra bình nước phụ và châm thêm nước làm mát nếu không đạt yêu cầu. Phần lớn các nhà sản xuất khuyến cáo nên thay nước làm mát động cơ sau khoảng 12 tháng.
Bộ lọc gió trên xe máy
Lọc gió: Nếu xe chạy dưới 10.000km/năm, nên thay bộ lọc khí hai năm một lần, còn nếu xe chạy nhiều hơn, trên 16.000 km thì mỗi năm xe cần có bộ lọc mới.
Chăm sóc xe thường xuyên: Rửa xe mỗi khi đi đường lầy lội hoặc thấy các chi tiết xe bám quá nhiều bụi, cặn bẩn; sau khi rửa sạch cần để khô hoặc xì khô xe trước khi sử dụng lại.
Ngoài ra cần thường xuyên kiểm tra các phớt làm kín của nắp bình xăng, nắp châm nhớt, để đảm bảo bụi và hơi nước không thể tạp nhiễm vào dầu từ những vị trí này. Theo thời gian thông qua quá trình hoạt động của động cơ, cặn bùn sẽ hình thành, rất khó hoặc thậm chí là không thể tháo bỏ cặn bùn thông qua đường tháo dầu nhớt thông thường, dẫn đến những hư hại do động cơ mất tính bôi trơn, mất công suất động cơ, tăng tiêu hao nhiên liệu, quá nhiệt động cơ, áp suất dầu không ổn định, tăng mài mòn và giảm tuổi thọ động cơ. Tệ hại hơn, khi cặn bùn “khóa chặt” các đường dẫn dầu nhớt trong động cơ, dầu nhớt sẽ không thể bơm lên các vị trí cần bôi trơn, gây ra những hư hỏng nghiêm trọng trong động cơ đến mức có thể buộc phải thay động cơ mới.
Theo Đình Quý (oto xe may)