Bùn hay "tri thức rởm" thì cũng lấm lem như nhau

Thứ tư - 20/09/2017 11:44
Khi chính chúng ta chưa rũ bỏ được sự vị kỷ cá nhân, đừng bao giờ nghĩ đem lợi ích đến cho người khác. Chưa nói đến sự hiểu biết của chúng ta đôi khi chỉ là giả tạo, tưởng thế nhưng không phải thế.
Bùn hay tri thức rởm thì cũng lấm lem như nhau
Bùn hay tri thức rởm thì cũng lấm lem như nhau
Một lần ông Nguyễn Văn Phú - một nhà sưu tập đồ cổ - mua được vài cuốn sách hay. Trên đường về, ông gặp một người bạn, cũng vừa đi mua đồ về. Trên tay ông bạn là một túi đựng đầy bánh mì, xúc xích, thịt hun khói, bơ… thơm ngất ngây. Thấy ông Phú đang cầm trên tay mấy cuốn sách, ông bạn tò mò muốn biết sách gì. Khi nhìn lướt qua nhan đề mấy cuốn sách ấy, ông ta reo lên: “… sách này hay quá! Tôi thích lắm! Cho tôi mượn được không?”. Ông Phú thẳng thừng nói: “Không!”. Ông bạn tỏ vẻ khó chịu vì có cuốn sách mà cũng không cho mượn. Thấy vậy ông Phú liền bảo: “Nếu thế, ông cho tôi mượn cái túi bánh mì xúc xích kia đi… để có mấy cuốn sách này tôi phải nhịn xúc xích đấy…”. Ông ta lúng túng một hồi rồi không nói gì nữa. 


Câu chuyện chỉ có thế và nó xảy ra vào cái thời kỳ bao cấp khó khăn. Nhưng cho đến bây giờ cánh họa sĩ và sưu tầm đồ cổ thỉnh thoảng vẫn nhắc lại. Họ lại cười, lại bình luận… Và cái mấy tay họa sĩ bình luận nhiều nhất vẫn là chuyện “khôn” vặt của những vị tỏ ra yêu thích văn hóa. Chuyện này trong giới họa sĩ gặp rất nhiều. Thường thì những vị tỏ ra hiểu biết ấy vẫn nói họ rất yêu hội họa. Chỉ có điều mỗi lần đến thăm xưởng vẽ của họa sĩ họ chỉ xin hoặc, mượn về treo. Và cái lý do bao giờ cũng kiểu: Đẹp quá! Mình thích lắm! Tặng được không? Mượn được không? 

Cái lý do yêu – thích – mê ấy xem ra đáng được trân trọng lắm lắm! Ai chẳng sướng khi người khác bảo rằng, họ thích tác phẩm của mình. Ơ, nhưng mà cái “thích” kia thật lạ lùng. Nó chỉ được thốt ra từ cái miệng mà thôi. Nói là thích đấy, yêu đấy nhưng đố dám hỏi mua, hoặc đổi chác. Chỉ cần nói đến chuyện mua bán, hay đổi chác thì ngay lập tức họ im lặng, hoặc giả tròn mắt ngạc nhiên như đứa trẻ ngây ngô. Có người còn thốt lên: “Gì mà ghê thế, tranh gì mà đắt như bất động sản thế?!”. 

Mới thấy cái chuyện kiên quyết không cho mượn sách của sưu tập gia Nguyễn Văn Phú thật hay. Nó hay vì thật quá, mà thật quá lại trở nên buồn cười. Cái ông bạn kia quả là khôn thật, vừa muốn có sách đọc, vừa có xúc xích và bánh mì để ăn. Điều quan trọng nằm ở chỗ, anh ta chỉ dám bỏ tiền ra mua xúc xích, còn sách thì đi mượn. Hề hề… cái kiểu này thật tham lam! Chứng tỏ sự yêu – thích – mê kia chỉ là giả tạo. Nếu anh bảo, anh thích, anh mê thì cứ bỏ tiền ra mà mua; nếu không có tiền thì tìm cái gì đó để mà đổi. Nhưng rất ít các vị chịu làm thế. Vì vậy chứng tỏ không mê, không thích, cũng chưa yêu thực sự. Cũng na ná kiểu, đứng trước người phụ nữ đẹp cứ tha thiết nỉ non: anh mê em, anh yêu em, anh không thể sống thiếu em! Thế nhưng chẳng bao giờ dám cưới em, nếu có cưới em về cũng đối xử chẳng ra gì vì có yêu thật đâu.

Người viết bài này cũng đang vẽ tranh và nhiều lần bị cái kiểu giả vờ ấy làm phiền. Có lần một người bạn đến nhà cứ rối rít nói thích bức tranh tĩnh vật mới vẽ của tôi. Thực ra tôi thấy bức tranh ấy cũng chỉ ở dạng tầm tầm, dễ nhìn, dễ treo để trang trí nhà cửa, lại thêm được cái anh bạn dẻo miệng kia khen, hứng chí tôi tặng luôn. 

Thời gian sau tôi đến nhà anh ta chơi, thấy “đứa con” tội nghiệp của tôi nằm chỏng gọng ở góc tường mốc meo, xám xịt như một mớ giẻ rách. Hóa ra anh ta chỉ nói thế chứ chẳng biết gì hoặc chẳng yêu gì bức tranh đó. 

Bẵng đi rất lâu, một hôm anh ta lại đến chơi và nói rằng vừa mới xây nhà xong, muốn có một bức tranh để treo cho đẹp. Lần này anh ta cũng diễn cái vở xuýt xoa khen ngợi ấy, rồi chỉ vào một bức mà rằng: "Đẹp quá! Thích quá!" Tôi trả lời thẳng thừng: “…Bức này giá 10000USD, nhưng chỗ quen biết khuyến mại chỉ cần xin bạn một triệu Việt Nam đồng…”. Ngay lập tức, sắc mặt của anh ta chuyển từ đỏ sang xanh rồi xám ngoét, và chẳng thấy nói thích nữa. Hề hề… đụng vào vật chất thì biết ngay mà! 

Cái kiểu thích ấy chẳng lạ gì với cánh họa sĩ chúng tôi. Đố dám bỏ tiền ra mua đấy. Mà bỏ tiền ra mua rồi, đố bỏ ở xó nhà cho mốc meo đấy! Thế nhé, đừng bao giờ nói thích nữa nhé! Anh bạn nọ, loanh quanh một hồi, lại phân trần rằng, vừa mới mua cái TV màn hình lớn, hết tiền mặt, nếu còn tôi trả ông ngay, một triệu có gì to tát đâu v.v và v.v. Nhưng tôi lại quả quyết, nếu thế lấy cái TV màn hình lớn kia sang đổi, tôi đang cần để xem. Đến nước này anh bạn nọ giãy nảy lên như đỉa phải vôi, chuồn thẳng.

Tôi kể những mẩu chuyện này không hàm ý ám chỉ vật chất mới chứng tỏ được cái sự yêu – thích – mê kia. Cũng có người say mê hội họa thật sự, yêu thích nghệ thuật thật sự nhưng vì nhiều lẽ nên không có điều kiện để sở hữu chúng. Những người như thế họ rất ít khi mở miệng nói ra. Hoặc, họ sẽ làm tất cả những gì có thể để được sở hữu chúng. Có người đã đổi cả nhà cửa chỉ để được sở hữu tranh của Bùi Xuân Phái, đó mới là yêu – thích – mê thật. Và cái câu chuyện, không cho mượn sách của ông Phú sưu tập gia kia, chứng tỏ một điều rằng, nếu anh yêu ai đó, hay cái gì đó - hãy hy sinh đi, dù là ít ỏi. Chỉ khi nào anh chịu hy sinh lợi ích của bản thân mới chứng minh được những lời anh nói. Thế thôi

Có một thực tế đang diễn ra rất phổ biến ở giới được gọi là trí thức, hay tự nhận là trí thức. Nếu họ muốn ám chỉ điều gì đó thật ngốc nghếch, ngu tối, ngờ nghệch, hèn hạ, tham lam… thì lập tức họ so sánh: thằng kia nông dân lắm, cái đứa nọ quê một cục… Kiểu nói đó quá quen thành ra tưởng đúng. Cách miệt thị này hình như chỉ ở mình mới có, chứ các nền văn hóa khác họ chẳng so sánh thế bao giờ. Mà tôi thấy, nếu ai so sánh thế cứ như người ta tự suy từ bản thân ra thì phải. Người nông dân đâu có hèn hạ, đâu có ngốc nghếch, đâu có ngu tối, tham lam...? Họ không thế! Và nếu ai mở miệng so sánh như thế chỉ chứng tỏ một điều: không phải trí thức! Nếu sự hiểu biết của anh ta là thực chất, cái nhìn của anh ta về người nông dân sẽ khác.

Một vị đạo diễn đi xuống nông thôn làm phim có phàn nàn: Bây giờ người nông dân khác lắm rồi ông ạ, có mỗi một cảnh để quay mà phải xì tiền ra họ mới làm, chứ ngày xưa chỉ cần hô một cái họ nhiệt tình ủng hộ, chẳng cần xu nào. Rồi anh ta lắc đầu ngao ngán. Và chỉ sau đó anh ta lại quả quyết: cái bộ phim này nếu không ứng tiền ra tôi sẽ không làm nữa, bây giờ cái gì chẳng cần tiền, có tiền mới hứng khởi “sáng tạo” chứ ông nhỉ… A ha! Cái anh nghệ sĩ này hay thật! Anh bắt người nông dân tình nguyện làm không công cho anh, nhưng anh lại đòi người khác phải ứng tiền ra mới làm thì ai dại, ai khôn? Đã thế lại còn luyến tiếc cái chuyện ngày xửa ngày xưa ấy. Làm gì có chuyện mình bắt nông dân phải ngốc nghếch, trong khi đó mình lại khôn như rận. Thế thì từ này đừng bao giờ đem họ ra so sánh với bất cứ cái gì ngu tối nữa nhé.


Lại một vị nhiếp ảnh gia lên miền núi tác nghiệp, rồi cũng cau mặt nói với tôi: Dân miền núi các ông khôn bỏ xừ, chụp mỗi cái ảnh cũng đòi tiền, mất cả cảm hứng… Hề hề… khôn chứ sao lại không? Nếu tôi đăng ảnh của anh lên báo mà không trả nhuận bút anh có chịu không? Chắc là không rồi ! Làm gì có chuyện sử dụng tác phẩm của tôi mà không trả thù lao! Vô lý! Bất công! Kiện cho đi tù cả lũ ngay! Thế đấy, anh có chịu thiệt đâu, anh lại bắt người miền núi phải cho không anh “cái công” làm mẫu kia. Xin các vị đừng bao giờ có lối tư duy khôn vặt ấy nữa. Cũng xin các vị đừng bao giờ so sánh họ với những thứ thấp hèn mà các vị nghĩ. Họ không phải thế, cũng chẳng đời nào chịu thế. Họ cũng là con người, biết tư duy, biết tự trọng, có tâm hồn… Làm gì họ dại như các vị so sánh. Sai hết! Sai cơ bản, sai cả tư duy rồi! Có thể nói, chính giới trí thức, định hướng cách sống của họ, tư duy của trí thức đi trước để “soi sáng” tư duy của nông dân, anh nghĩ thế nào, hành động thế nào, họ cũng làm y như thế, không chệch hướng tí nào, rất chính xác. Cái việc họ sẵn sàng đòi thù lao ấy, ở chừng mực nào đó chính các vi “dạy” cho họ đấy!

Cũng vài vị nhiếp ảnh gia, lên miền núi sáng tác khi về cứ trề môi chê bai rằng, ai đời nhà sàn lại lợp fibrôximăng, không hiểu họ nghĩ thế nào lại đem mấy cái tấm lợp cứng đanh, xấu xí ấy về dùng, làm mất cả thẩm mỹ, chán không thể tả! 

Hay thật! Các vị ích kỷ quá, chỉ nghĩ cho chính lợi ích của các vị. Quả đúng, một cái mái được lợp bằng cỏ gianh sẽ phù hợp hơn với cái nhà sàn của họ, nhưng các vị ơi! Chỉ cần một đợt lốc, hai đợt mưa, ba đợt nắng… mái nhà của họ hỏng rồi. Còn cái tấm lợp xấu xí như các vị chê bai kia nó bền lắm. Cả chục năm mưa nắng không lọt vào nhà của họ, tại sao không dùng? Các vị chỉ đi lướt qua, chụp vài cái ảnh, nhếch mép khen ngợi vài câu rồi các vị ra về. Còn người bản xứ, họ phải chịu đựng mưa nắng, bão lụt với cái mái nhà lợp bằng cỏ gianh yếu ớt kia, khổ nhường nào, rét nhường nào các vị đâu có quan tâm. Ấy vậy mà khi người ta bỏ cách lợp mái nhà bằng cỏ gianh, thay bằng tấm lợp tổng hợp rất bền ấy các vị lại bảo họ không biết gì là thẩm mỹ! Chính các vị “vô thẩm mỹ” đấy chứ! Thẩm mỹ con người đâu phải ở hình thức, nó nằm ở tư duy kia mà! Sự ích kỷ cũng là vô thẩm mỹ đấy!

Chưa kể đến phần lớn giới trí thức ở ta đều từ nông dân mà ra. Nếu vén áo các vị lên tôi tin chắc mùi bùn đất vẫn còn vẩn vơ ở đó. Ấy thế mà chỉ mới có một chút hiểu biết đã đem nông dân ra miệt thị. Một người nông dân rất có thể văn hóa cao hơn chúng ta nhiều, họ chỉ thiếu tri thức. Nhưng nên nhớ rằng, họ có văn hóa và cái nền tảng văn hóa ấy mới là nơi chắc chắn nhất để làm nên một con người. Còn tri thức vặt, nếu không biết cách sử dụng, nó sẵn sàng biến chúng ta thành những cỗ máy vô cảm và lạnh lùng. Thực tế, không ít giáo sư, tiến sĩ của chúng ta cái đầu đầy một bồ chữ nhưng hành động còn thấp kém hơn cả nông dân vì có văn hóa đâu. Cứ bảo tiến sĩ, thạc sĩ ngành này ngành nọ, chẳng thấy công trình khoa học nào có ích cho đời, chỉ suốt ngày chăm chăm viết dự án kiếm tiền, hoặc mê mải theo đuổi công việc khác… Bất cứ cái gì động đến lợi ích lập tức kêu ầm lên, kiện tụng ầm lên. Thế chẳng là tham lam sao, chẳng là thiếu liêm sỉ sao!?


Đã khá lâu, chúng ta (những người tự nhận là trí thức) vẫn đối xử với người nông dân như thể họ đáng thương hại. Bao giờ cũng nghĩ: dạy họ cái này, bảo họ làm cái kia, làm cho họ thoát nghèo, đưa họ ra khỏi sự u tối… Nhưng chính chúng ta – những “nông dân” đáng thương hại kia ơi! Hãy cứ tự thanh lọc bộ óc vị kỷ của mình đi đã. Khi chính chúng ta chưa cởi bỏ được sự vị kỷ, đừng bao giờ nghĩ đem lợi ích đến cho người khác. Chưa nói đến sự hiểu biết của chúng ta chỉ là giả tạo, cứ tưởng thế nhưng không phải thế. Và tất cả những ai, nếu muốn miệt thị ai đó đừng bao giờ đem nông dân ra làm thớt. Các vị hãy tự tát vào cái miệng của chính mình, may ra cái óc các vị sáng ra đôi chút!

A Sáng (Vietimes)

Tác giả bài viết:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đối tác
vip
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây