Trong số 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Thủ đô 2013, Nguyễn Sỹ Luận là tỷ phú duy nhất được vinh danh trong lĩnh vực kinh tế. Những số liệu về doanh thu của Luận cũng được Thành đoàn công bố.
Nguyễn Sỹ Luận sinh năm 1985, hiện là Giám đốc Công ty cổ phần và phát triển Bình Minh. Mô hình trang trại của anh nhận được rất nhiều giải thưởng cấp quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuần qua, Sỹ Luận vinh dự được là một trong 10 gương mặt tiêu biểu của Thủ đô được vinh danh.
Sinh ra và lớn lên tại Mỹ Đức (Hà Tây cũ), anh bắt đầu lập nghiệp vào năm 2006 từ ý tưởng của bố. Lúc này, Sỹ Luận mới 22 tuổi, là sinh viên ĐH Đà Nẵng, ngành Quản trị Kinh doanh, hệ đào tạo từ xa.
Mặc dù là Giám đốc nhưng Luận vẫn đảm nhiệm mọi công việc từ chân tay đến đầu óc.
Luận cho biết: “Do đấu thầu từ địa phương nên gia đình có 10 héc ta đất làm mô mình kinh tế VAC (vườn, ao, chuồng). Sau đó, tôi gặp được nhiều đối tác tư vấn, muốn hợp tác nên đã quyết định mở rộng chuồng trại, đầu tư con giống".
Trang trại của gia đình anh được hình thành với số vốn ban đầu bỏ ra là hơn 1 tỷ đồng, thuê 7-10 nhân công, nuôi 500 con lợn. Điều đặc biệt, lợn của anh được nuôi trong lồng kính, áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín đảm bảo vệ sinh và phương pháp chăn nuôi theo hướng sinh học.
Mỗi năm Luận đều tiến hành mở rộng trang trại, xây thêm 2-3 chuồng mới, mỗi chuồng nuôi 500 con. Anh kể lại giây phút hạnh phúc nhất khi gặt hái thành quả: “Năm 2007, tôi có được những đồng tiền đầu tiên với doanh thu là 300 triệu/6 tháng, lợi nhuận 150-200 triệu/6 tháng”.
Đối với Luận, để thành công trong việc kinh doanh không thể thiếu được sự liều lĩnh. Quyết định khiến anh thấy mình liều nhất là xây thêm chuồng lợn nái với số lượng 1.200 con, hết 17 tỷ đồng. Anh lý giải: “Vốn đầu tư cho lợn thịt chỉ bằng một nửa số lợn nái. Nuôi lợn nái cũng rất rủi ro, khi bị dịch bệnh sẽ bị mất trắng thu nhập trong vòng 1 năm. Do đã có vốn từ trước nên khi mở rộng trang trại tôi đã vay thêm 10 tỷ đồng".
Song hành cùng anh trong việc phát triển trang trại là người bố đã có nhiều năm kinh nghiệm. Anh kể lại công việc thường ngày: “Mỗi buổi sáng và tối, tôi thường ngồi cùng bố để bàn bạc và sắp xếp công việc trong ngày và cho ngày hôm sau. Đã nhiều lúc, hai bố con xảy ra mâu thuẫn vì bố là người vạch ra lý thuyết, còn tôi là người thực hiện, không thể tránh được những bất cập”.
Dù vậy, cũng có nhiều lúc anh Luận đã bị… mất trắng. Anh kể lại: “Năm 2008, do vật nuôi bị dịch bệnh nên trang trại của gia đình đã mất thu nhập trong 3 tháng. Năm 2009, trận lũ lụt lịch sử của Hà Nội đã khiến tôi mất toàn bộ số cá trong đầm và cây trồng bị đổ, ngập úng”. Tuy nhiên, với anh, đã là kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro.
Từ chối 100 tỷ để tiếp tục… nợ nần
Hiện nay, anh Luận đã có trong tay trang trại với quy mô tổng diện tích 70.000 m2, trong đó diện tích chuồng trại là 12.600 m2 với tổng số 5.700 con và diện tích ao thả cá là 11.000 m2. Kinh phí đầu tư anh bỏ ra là trên 30 tỷ đồng, hàng tháng cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn lợn hơi, đoạt doanh thu trên 9 tỷ đồng/1 năm, có lợi nhuận 3 tỷ đồng/1 năm, giải quyết việc làm ổn định cho 45 lao động.
Trang trại của anh hàng năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn lợn hơi.
Nhìn lại hành trình của mình, anh Luận chia sẻ: “Khi mới bắt tay vào mở trang trại, tôi không nghĩ rằng số tiền bỏ ra lại có thể nhiều như vậy. Nếu biết trước thì chắc mình không dám làm, so với nông thôn đây là một số tiền khổng lồ”.
Là một giám đốc nhưng anh Luận đảm nhiệm mọi công việc từ lao động chân tay cho đến chiến lược cần đầu óc. Anh cho biết: “Tôi làm việc mệt mỏi ngày đêm là chuyện thường xuyên, thậm chí còn không dám đi đâu lấy nửa ngày”.
Không như nhiều nghề nghiệp khác, đối với trang trại của anh Luận, thời điểm đầu và cuối năm kiếm được ít tiền nhất. Anh lý giải: “Lúc này, thời tiết thay đổi nhiều, dịch bệnh dễ lây lan. Đối với tôi, đây là tháng vất vả, căng thẳng nhất”.
Mặc dù mỗi năm thu về lợi nhuận 3 tỷ đồng nhưng anh Luận vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi vẫn ở trong một ngôi nhà bình thường. Tôi chỉ mới sắm được một chiếc ô tô con để tiện đi lại và xây được nhà thờ cho ông bà nội, chưa có tiền để tiêu hoang phí”.
Đối với anh, hầu hết số tiền có được sẽ tiếp tục đầu tư cho trang trại: “Do làm ăn nên lúc nào tôi cũng có cảm giác kinh tế khó khăn, phải đầu tư và vay nợ rất nhiều”. Vì vậy, anh nói vui: “Người ta gọi mình là Luận tỷ phú, cũng có thể là tỷ phú lợi nhuận hoặc tỷ phú nợ nần”.
Còn nhiều khó khăn nhưng anh Luận vẫn nguyện gắn bó lâu dài cùng trang trại. Anh kể lại, năm 2010, khi gia đình vừa xây dựng xong trang trại lợn lái đã có rất nhiều công ty trả giá cao để mua lại với mức 50-100 tỷ đồng. Mặc dù nghĩ rằng, số tiền này phải đến 20 năm sau mới có thể làm được nhưng anh đã quyết định không nhượng lại. Bởi anh quan niệm: “Đồng tiền kiếm được dần dần, do sức lao động của mình mới có giá trị. Còn đồng tiền có ngay trong tay thì thì cũng sẽ rất dễ mất. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hối hận với quyết định này”.