Giá xăng giảm nhưng giá cả tăng mà lương thưởng hẻo đang là gánh nặng của nhiều người. Sau hơn 10 lần hạ liên tiếp dẫn đến giá xăng giảm 40% (tính ra là cả 10.000 đồng mỗi lít) mà cước vận tải chỉ giảm nhỏ giọt và giá hàng hóa vẫn y nguyên. Sau mấy tháng ròng ngồi chờ đợi và kêu gọi, chỉ còn vài tuần là đến Tết tôi mới thấy các cơ quan quản lý đưa ra giải pháp mạnh hơn nhằm thanh tra, kiểm soát thị trường. Họ yêu cầu các doanh nghiệp vận tải đăng ký giảm giá, những doanh nghiệp nào chưa giảm sẽ bị nêu tên trên hệ thống loa công cộng tại các bến xe, họ đi xử phạt một số doanh nghiệp…
Chiếu theo các điều khoản trong điều 11 Nghị định 109 năm 2013 thì mức phạt tiền với các hành vi kê khai sai giá, xây dựng các mức giá để đăng ký sai hay không kê khai giá với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định chỉ ở mức từ 5 triệu đến cao nhất là 30 triệu đồng một lần phạt. Mức chế tài này là quá nhỏ so với lợi nhuận mà các doanh nghiệp có thể thu về nếu chây ì không chịu giảm giá cho hợp lý .
Ví như một xe từ TP HCM về Huế chỉ cần bán 40 vé, mỗi vé bán đắt lên so với giá của Tết trước từ 850.000 thành 1,3 triệu đồng, vị chi là 450.000 đồng thì tính ra lợi nhuận của chỉ riêng chuyến xe này đã dư tiền để cả một doanh nghiệp có hàng trăm chuyến xe chạy trong dịp Tết này nộp phạt. Tất nhiên nghị định 109 có quy định thêm việc nếu doanh nghiệp bị phát hiện sai phạm về giá sẽ phải buộc nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền chênh lệch giá đã bán ra cho người tiêu dùng. Song để các cơ quan chức năng có thể ra quyết định yêu cầu một doanh nghiệp nộp số chênh lệch này chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian.
Hơn nữa, việc xử phạt, thu hồi này cũng không dễ do các doanh nghiệp có nhiều cách tính toán khác nhau có thể đưa ra để giải trình mà vì thiếu các công cụ quản lý phù hợp, chưa chắc các nhà quản lý đã làm gì được họ. Nào là giá không giảm do chất lượng dịch vụ tăng, nào là do trước đây họ không tăng giá nên nay cũng không giảm, nào là do họ mới đầu tư mới nên cần khấu hao, nào là trong dịp Tết có nhiều lượt xe phải chạy không tải chiều trở về các thành phố trước Tết và chiều đi ngoại tỉnh sau Tết. Đó là chưa kể dù tăng giá vù vù trước Tết nhưng nhà xe không thay đổi giá in trên vé nên người dân mất thêm cả mớ tiền mà không có căn cứ nào để khiếu nại.
Trong khi các nhà xe còn dây dưa không chịu giảm giá cước vận chuyển thì các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa khác được đà cứ thế giữ giá hoặc tăng giá. Vì chuyện có gì chỉ cần đổ cho nhà xe là xong.
Xăng dầu đã giảm gần 10.000 đồng một lít mà các phương tiện vận tải khác không giảm giá tôi nghĩ là thể hiện sự bất lực của cơ quan quản lý. Họ cần xem xét lại các công cụ quản lý, trong đó có các phương pháp quản lý giá, hệ thống thanh tra, giám sát cũng như các quy định chế tài đủ mạnh. Nếu như họ có các hành động cụ thể ngay từ những đợt giảm giá xăng đầu tiên thay vì chờ đến 11 lần giảm liên tiếp mới thực sự vào cuộc thì tôi tin rằng người dân sẽ không phải chịu cảnh giá xăng giảm mà giá cả vẫn không chịu giảm như hiện nay.
Nguyễn Anh Thi - Báo Vnexpress