Đoạn clip "bóc mẽ" chiêu cân điêu của anh bán mận trên đường Nguyễn Xiển
Thấy vậy, tôi đưa cho cô bạn một lời cảnh báo: "Mua hàng ở đây hay bị cân điêu lắm bạn ơi. Hay để về gần nhà mua đi?". Mặc dù được cảnh báo nhưng cô bạn tôi chẳng mấy tin lời. Cuối cùng cô ấy vẫn quyết tâm ghé vào bên đường để mua.
Chạy xe chầm chậm, cô bạn tôi dừng trước một xe hàng rong chất đầy quả mận. Chủ xe bán hàng rong là một người đàn ông tầm tuổi trung niên. Ông chủ kêu mận giá 25 ngàn đồng 1 kg. Thấy quả mận hơi nhỏ và xanh cô bạn tôi mặc cả bớt giá, ông chủ đã đồng ý bán với giá 20 ngàn 1kg.
Sau khi cô bạn tôi lựa xong, ông chủ đem túi mận đặt lên chiếc cân đồng hồ. Lúc ấy, kim đồng hồ chỉ cân nặng 1,1kg. Như một thói quen ướm thử trọng lượng, tôi đoán chỗ mận đó chắc chắn không nặng đến thế.
Tôi liền hỏi lại ông chủ: "Cân này có đúng không đấy ạ? Em mua hàng ở đây hay bị cân thiếu lắm. Làm gì hơn một cân quả mà được ít như thế này?". Ông chủ nhanh nhảu trả lời: "Yên tâm, anh cân không bao giờ thiếu".
Tôi liền bảo: "Em mua hàng ở đây nhiều rồi. Lần nào cũng bị cân thiếu nên cảnh giác". Ông chủ lại trả lời: "Thiếu mang ra đây anh trả lại tiền".
Cái câu nói: "Thiếu mang ra đây anh trả lại tiền" nó đã trở lên quá quen thuộc với tôi. Cũng trên con đường này, mới gần đây tôi đã hai lần bị người bán hàng rong qua mặt để về nhà phải ôm "cục tức".
Tôi nhớ, có lần về Hưng Yên qua tuyến đường này, thấy bên đường có bán me sấy khô nên tôi đã dừng lại mua. Giá bán là 120 ngàn đồng/kg.
Người bán hàng cho tôi lúc ấy cũng là một người phụ nữ trung niên. Sau khi cân xong 1kg, tôi đồng ý trả tiền cho chủ quán. Thế nhưng, khi cầm túi me vừa được cân tôi thấy nó nhẹ bẫng. Tôi nghi nghi hỏi chủ quán: "Có chắc đây là 1 cân không ạ? Cháu thấy nó nhẹ lắm. Chắc chỉ được mấy lạng thôi".
Bà chủ bán hàng rong trả lời: "Cháu cứ về nhà cân, thiếu một lạng ra đây cô trả lại tiền". Nghe bà chủ nói thế, dù lấn cấn nhưng tôi vẫn vui vẻ trả tiền và phóng xe đi mà không suy nghĩ gì.
Về đến nhà người quen ở Hưng Yên, tiện có cái cân đồng hồ tôi liền cho túi me khô lên cân lại. Thật bất ngờ, túi me chỉ có chưa đến 7 lạng. Lạ thật, túi thì còn nguyên vẹn, không bị thủng chỗ nào.
Chẳng lẽ họ cân điêu cho mình? Lúc ấy, mặc dù tức nhưng vì họ bán hàng rong ở đường thì mình làm gì được. Mai về chắc gì họ còn đứng bán chỗ đó. Đành ngậm đắng nuốt cay vì bị cân "điêu".
Sau lần đó, một lần về quê Nam Định trên con đường này, tôi và anh trai có ghé lại để mua quả bơ. Chủ quán giới thiệu bơ sáp Đắc Lắc giá 50 ngàn 1kg. Tôi lựa 5 trái bơ không lớn lắm nhưng khi cho lên cân là 2,2kg.
Sau khi cân xong, tôi cầm túi bơ lên và thấy nó khá nhẹ so với trọng lượng 2,2kg. Tôi hỏi chủ quán: "Em không tin chỗ này nặng 2,2kg đâu anh ạ!" Giống như lần trước, chủ quán nhanh nhảu trả lời: "Anh thề là cân bọn anh không thiếu một hoa".
Cẩn thận hơn tôi hỏi lại: "Anh có chắc là đủ không?" Chủ quán vẫn tự tin khẳng định: "Anh thề với em là bọn anh không bao giờ cân điêu. Anh bán ở đây có ai kêu thiếu bao giờ đâu. Tay em bị sao nên xách túi bơ mới thấy nhẹ ấy chứ?".
Dù anh ta có nói thế nào thì tôi cũng không tin bởi vì đã bị bà bán me sấy trên đường này lừa một lần. Nhìn có chị bán dưa hấu ở gần, tôi cầm túi bơ đến nhờ cân thử. Đúng như phán đoán của tôi, 2,2kg bơ vừa cân chỉ còn có 1,8kg.
Tôi gọi anh chủ bán bơ qua xem. Anh ta ngại quá nên chỉ biết ú ớ...: "Sao, sao lại có 1,8kg được nhỉ?". Lúc ấy, cũng có khá nhiều khách hàng đang mua bơ. Thấy cái cân điêu của ông chủ bị tôi vạch mặt nhiều người không nói gì mà lẳng lặng phóng xe đi mất.
Nhìn mặt ông chủ bán bơ có vẻ "điên" với tôi lắm thế nhưng không làm gì được (bởi lúc đó đông người). Tôi yêu cầu ông chủ chỉ tính tiền 1,8kg bơ cho tôi thay vì 2,2kg như ban đầu.
Tưởng rằng, chiếc cân chị bán dưa hấu cạnh đó là chuẩn nên tôi mới vui vẻ trả tiền để về. Ai ngờ, về đến nhà bỏ lên chiếc cân của mẹ tôi cân lại, số bơ 1,8kg thực chất lại chỉ có 1,6kg.
Trời! Sao mình không nghĩ đến tình huống: "Anh bán bơ cân điêu thì liệu chị bán dưa hấu bên cạnh cân có chuẩn không nhỉ?". Vậy là lần thứ 2 bị lừa, cục tức"cân điêu" lại tăng lên gấp đôi.
Sau hai lần mua hàng và đều bị cân điêu trên tuyến đường này, đương nhiên tôi đã có sự cảnh giác cao độ. Đúng như ông chủ bán mận nói: "Chúng mày mua có 1 cân thì lo cái gì. Có người họ mua cả yến còn chẳng sợ."
Đúng là 1kg mận giá 20 ngàn đồng với tôi thiệt chẳng bao nhiêu nhưng cách làm ăn buôn bán gian xảo thì khiến riêng bản thân tôi cảm thấy khó chịu. Không để bị "qua mặt" thêm một lần nào nữa, nhân có cơ hội cô bạn mua hàng, tôi thề sẽ vạch mặt người bán hàng điêu trên con đường này.
Tôi hỏi lại ông chủ một lần nữa: "Anh có chắc một cân mận anh bán đủ 10 lạng hay không? Hay một cân chỉ có 7, 8 lạng thôi?" Ông chủ khẳng định chắc như đinh: "Gớm chúng mày con gái con đứa, mua có một cân mận mà kinh quá. Anh thề là cân đủ nên yên tâm nhá!".
Chai nước Lavie vạch mặt "cái cân thủy ngân"
Anh bán mận và cái cân chai nước Lavie 500ml nhưng nặng hơn 7,5g. Ảnh cắt ra từ clip
May hôm đó là tôi có mang theo 1 chai nước suối 500ml trong balo. Thấy ông chủ hứa như đinh đóng cột nên tôi không ngần ngại mà bỏ chai nước lên cân. Chai nước Lavie 500ml còn nguyên tem khi đặt lên cân lại có trọng lượng hơn 7,5g.
Tôi gọi ông chủ xuống nhìn: "Anh nhìn nhé! Anh bảo cân đúng mà sao chai nước 500ml lại có trọng lượng 7,5g". Thấy vậy, ông chủ vội vàng bào chữa: "Chúng mày không được học à? 1 lít này nước nó phải có trọng lượng hơn 1,2 kg".
Ôi thôi! Lời bào chữa cân điêu này của ông chủ bán hàng rong thật khiến những Giáo sư hàng đầu về Vật lý học có lẽ cũng phải "khóc thét" giơ tay đầu hàng.
Biết không thể lừa được tôi, ông chủ bán hàng rong quay ra trách móc: "Khiếp quá, chúng mày là con gái, mua có một cân mận mà làm quá. Tao đã đồng ý bán có 20 ngàn đồng 1 cân mà chúng mày còn bóc mẽ...".
Tôi trả lời: "Dù có mua 25 ngàn đồng 1kg nhưng anh cân đủ em vẫn vui vẻ. Nhưng rõ ràng anh đã chỉnh cân trước khi em đến và có ý bán điêu ngay từ đầu nên khiến em rất tức giận. Với lại, không phải lần đầu mua hàng ở đây bị cân điêu nên khiến em bức xúc hơn".
Lúc này, mặt ông chủ tối xầm lại. Nhìn có vẻ như muốn "táng" cả xe hoa quả vào mặt tôi nhưng đành phải kiềm chế. Bởi, dù sao tôi vẫn đang nói đúng.
Đúng là, "quá tam ba bận", đến lần mua hàng thứ 3 ở con đường này thì những người bán hàng gian đã không lừa được tôi nữa. Thế nhưng, điều đáng nói là không phải tôi hay ai đó lúc nào cũng kè kè chai nước suối bên cạnh để thử độ chính xác của những chiếc cân.
Có thể nhiều người biết nhưng chấp nhận hoặc không quan tâm đến việc bán hàng không trung thực vì chỉ mua ít, hoặc sợ nói ra thì bị chửi mắng... Tâm lý đó cũng là một phần lý do khiến những kẻ cơ hội ra sức "chỉnh cân" để bịp đa số khách mua hàng.
Không biết nhiều người có còn nhớ câu truyện "Cái cân thủy ngân" mà thủa nhỏ ông bà ta thường hay kể. Đại ý câu chuyện kể rằng: "Có một đôi vợ chồng làm ăn buôn bán nhưng vì gian tham nên đã chế ra mộ cái cân cán rỗng, bên trong đổ thủy ngân mà không ai biết.
Khi cân hàng bán cho người ta thì dốc cán về đằng móc, còn khi cân hàng mua của ai thì dốc cán cân về đằng quả. Như vậy một cái cân vừa nặng vừa nhẹ được, và bao giờ phần lợi cũng về mình.
Nhờ có cái cân thủy ngân mà đôi vợ chồng buôn bán nhanh chóng trở lên giàu có. Khi giàu có rồi họ mới nghĩ đến chuyện phá bỏ cái cân thủy ngân nhưng đã quá muộn. Hậu quả, hai đứa con trai khôi ngô tuấn tú của họ lần lượt mắc bệnh và chết. Họ tiếc thương hai đứa con nên ngày đêm khóc thương kêu Trời, Phật...
Trong một đêm chiêm bao, họ được Bụt báo mộng rằng do làm ăn gian trá nên Ngọc Hoàng sai con quỷ xuống đầu thai làm con trai để phá tan cho hết những thứ của cải phi nghĩa tích góp bao năm nay.
May mà thấy đôi vợ chồng hối cải nên Ngọc Hoàng mới xuống đưa hai con quỷ ấy về. Bụt khuyên đôi vợ chồng nên làm ăn tử tế, tu nhân tích đức thì trời sẽ cho hai đứa con khác.
Hai vợ chồng biết thế, không thương khóc con nữa. Họ tiếp tục buôn bán ngay thẳng, cố gắng làm bao nhiêu điều từ thiện, phúc đức. Quả nhiên, sau họ lại sinh được hai đứa con trai khác. Hai đứa con hiền lành tử tế, văn hay chữ tốt, rồi sau lớn lên, làm cho cha mẹ được vẻ vang sung sướng trong cảnh già.
Sau khi đem đoạn video cảnh tôi "bóc mẽ" người đàn ông cân điêu trên đường Nguyễn Xiển, một cô bán hàng rong cho biết: "Ở Hà Nội, không chỉ ở đường Nguyễn Xiển mới có những chiếc cân điêu như thế. Cụ thể là ở khu vực Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung Ương, khu vực chợ Sinh viên, chợ Nhà Xanh cũng có rất nhiều..."
Chính cô này là những người đi buôn nhưng thỉnh thoảng vẫn bị cân thiếu. Vì vậy, cô khuyên tôi nên mua tại những cửa hàng cố định hoặc thân quen.
Dẫu biết rằng, kinh doanh buôn bán hàng rong là vất vả, là khó khăn. Thế nhưng, cách làm ăn chộp giật và gian xảo dù nhiều hay ít vẫn không bao giờ chấp nhận được. Củng chưa kể đến mận chưa chắc gì hàng Việt Nam. Nhiều khí đó chính là mận trung quốc
Kinh doanh buôn bán phải đặt chữ "tín" chứ không phải chứ "lợi" lên hàng đầu. Bài học "trung thực, ngay thẳng, uy tín" người xưa dạy vẫn còn đó.
Kim Thược - Quỳnh Trang