TIN HAY MỖI NGÀY | TIN TỨC NÓNG | TIN THỜI SỰ| TIN BÀI| TIN TỨC SEOTin bài là trang tin tức tổng hợp được cập nhật liên tục hàng ngày, các tin tức xã hội,tin tức seo, diễn đàn kinh tế, chính trị hay các thủ thuật cuộc sống giúp bạn đọc có thêm nhiều kinh nghiệm sống
11 dấu hiệu cho biết mẹ sẽ bị trầm cảm sau sinh
Thứ hai - 28/03/2016 15:10
Trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng xấu đến bản thân người mẹ mà có thể đe dọa đến sự an toàn của bé và hạnh phúc gia đình.
Nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm sau sinh có thể do thay đổi nội tiết tố hoặc xuất phát từ những khó khăn mẹ phải đối mặt trong cuộc sống như: vấn đề tài chính, áp lực chăm sóc bé, sự thiếu quan tâm giúp đỡ của người thân...
Ngoài ra, mẹ có tiền sử trầm cảm sau sinh trước đó sẽ dễ mắc chứng trầm cảm sau sinh ở lần sau; mẹ quá trẻ (<18 tuổi) hay có thai không mong muốn cũng dễ rơi vào trầm cảm; mẹ có hoàn cảnh khó khăn như bị bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp, thiếu đồng cảm… cũng dễ rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh.
Trên là những nguyên nhân gây trầm cảm ở mẹ sau sinh, ở mẹ bầu cũng có thể dự báo trước được căn bệnh nguy hiểm này thông qua 11 dấu hiệu sau:
1. Buồn, lo lắng và suy nghĩ tiêu cực
Biểu hiện này rất dễ nhận thấy. Mẹ bầu hay tỏ ra buồn bã suốt cả ngày, thường u uất và sầu não. Mẹ cũng có thể lo lắng những việc không đâu, thường xuyên mang cảm giác bất an. Một số mẹ bầu có thể có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân như cảm thấy mình không đủ đẹp hoặc không có giá trị hoặc không đủ tốt để có thể làm mẹ sau khi sinh con.
2. Hoảng hốt
Một biểu hiện khác là mẹ bầu thường phản ứng hoảng hốt với những tình huống xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày. Và sau đó mẹ khó có thể bình tĩnh lại được.
3. Thờ ơ với mọi vật xung quanh
Mẹ bầu tỏ ra không quan tâm hứng thú gì đến mọi vật xung quanh và thường xuyên giữ im lặng cũng là một biểu hiện cho thấy mẹ sẽ mắc chứng trầm cảm sau sinh. Việc không muốn giao tiếp hay không tự tin ra khỏi nhà, xuất hiện ở các đám đông, từ chối gặp bạn bè hoặc trả lời thư từ cũng là các phản ứng thuộc nhóm này.
4. Cảm thấy phiền toái
Việc mẹ bầu luôn cảm thấy phiền toái khi xuất hiện bất cứ điều gì gây xáo trộn lịch trình thường ngày cũng cho thấy tinh thần mẹ bầu không ổn định.
5. Thích khóc
Mẹ bầu dễ dàng rơi nước mắt dù vấn đề xảy ra không có gì nghiêm trọng, hoặc ngay cả khi không có vấn đề gì nhưng mẹ bầu tự suy nghĩ tủi thân và khóc. Lúc này mẹ bầu trở nên mong manh về mặt tinh thần, nếu không được quan tâm vỗ về có thể biến chuyển thành thờ ơ, khép kín.
Mẹ bầu dễ khóc sẽ dễ bị trầm cảm sau sinh.
6. Căng thẳng, ám ảnh
Biểu hiện này thể hiện ra ở mẹ bầu cực kỳ bất an, lúc nào cũng có cảm giác như nổ tung ra. Mẹ bầu cũng cảm thấy lo sợ nhiều thứ và trở nên đau khổ vô cùng. Triệu chứng này không chỉ là dự báo cho chứng trầm cảm sau sinh mà nó còn tác động tiêu cực đến mẹ bầu. Lúc này việc cần thiết là đưa mẹ bầu đến gặp các bác sĩ có chuyên môn để điều trị sớm nhất có thể.
7. Mất tập trung
Mẹ bầu cảm thấy không thể tập trung để làm việc gì được, kể cả những việc đơn giản như xem tivi, trò chuyện hay đọc sách. Chính điều này khiến mẹ bầu không thể sắp xếp, kiểm soát cuộc sống hàng ngày hay suy nghĩ của mình. Do vậy mẹ bầu có thể cảm thấy rất tồi tệ và dễ dàng trở nên chán ghét bản thân.
8. Rối loạn giấc ngủ
Nếu mẹ bầu không thể ngủ được, hoặc thức giấc giữa đêm, hay gặp ác mộng và khó lấy lại giấc ngủ khi thức giấc… thì điều này cũng có thể sẽ gây ra chứng trầm cảm cho mẹ bầu sau khi sinh con.
9. Giảm ham muốn tình dục
Hứng thú tình dục của mẹ bầu đột nhiên sút giảm, không còn muốn gần gũi chồng cũng là dấu hiệu cho thấy mẹ có thể mắc chứng trầm cảm sau sinh. Lúc này việc tốt nhất các ông chồng có thể làm là hãy ủng hộ vợ, ôm ấp nhẹ nhàng và vuốt ve nhưng không nên ép cô ấy làm điều mình không muốn hay tỏ ra bực dọc.
10. Không thể sinh hoạt bình thường
Mọi sinh hoạt bình thường của mẹ bầu lúc này tự dưng trở nên bất thường kể cả trong việc ăn uống, nghỉ ngơi, giải quyết công việc,… Việc xuất hiện nhiều vấn đề phải lo nghĩ hơn sẽ khiến cho áp lực bên trong của mẹ bầu tăng dần và làm cho mẹ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Trong khi đó sau khi sinh mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn và hỗn loạn hơn vì sự xuất hiện của bé.
11. Suy nhược cơ thể
Một dấu hiện cũng cảnh báo rất sớm chứng trầm cảm sau sinh là sự suy nhược cơ thể của mẹ bầu. Mẹ bỗng nhiên trở nên mệt mỏi, không còn sức sống, thậm chí không quan tâm đến việc chăm sóc, tắm rửa cho cơ thể. Nếu mẹ bầu xuất hiện các trạng thái này thì hãy cố gắng tìm hiểu và giúp đỡ cô ấy vượt qua.
Phòng tránh trầm cảm sau sinh
Để phòng tránh trầm cảm sau sinh, những can thiệp hỗ trợ sớm cho mẹ bầu là cần thiết. Theo đó:
- Người thân trong gia đình nên quan tâm để ý để động viên và chia sẻ với mẹ bầu.
- Ngoài ra việc chia sẻ các kiến thức về việc chuyển dạ, chăm sóc em bé và nuôi con bằng sữa mẹ là những điều cần thiết để giúp mẹ bầu tránh được các lo lắng không cần thiết về vai trò sắp tới của mình.
- Nếu tình trạng mẹ bầu không ổn thì nên dùng thuốc chống trầm cảm vào ba tuần cuối thai kỳ. Tuy nhiên, việc dùng thuốc này cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ.