Đó là những thông tin PGS.TS Nguyễn Viết Quang - Trưởng khoa GMHS thuộc Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và Quốc tế (Bệnh viện T.Ư Huế) - cho biết vào ngày 17/3.
Một trong những sản phụ đầu tiên thành công trong tiến trình nhân rộng phương pháp “đẻ không đau” tại Bệnh viện T.Ư Huế là chị Lê Xuân Diệp Cát - 27 tuổi quê ở phường Tây Lộc (TP Huế).
Ngay sau khi nhận báo cáo các kết quả kiểm tra xét nghiệm từ những bác sĩ, sản phụ Diệp Cát được tư vấn sinh con không đau bằng kỹ thuật mới.
Kết quả chị Lê Xuân Diệp Cát đã hạ sinh một cháu gái nặng 2,8 kg vào lúc 8 giờ 45 ngày 15/3. Điểm đặc biệt là sau khi sinh chị Diệp Cát không hề cảm thấy đau đớn.
PGS.TS Nguyễn Viết Quang cho biết thêm: Áp dụng phương pháp “đẻ không đau” sẽ giúp ích rất nhiều sản phụ về mặt sức khỏe sau khi sinh.
Việc triển khai các kỹ thuật chữa trị không phức tạp chỉ cần sản phụ sau khi nhập viện đã được các bác sĩ sản phụ khoa chỉ định là ca này có thể sinh thường, cân nặng thai nhi trong bụng mẹ vừa phải thì sản phụ sẽ áp dụng được phương pháp “đẻ không đau”.
Cụ thể lúc sản phụ bắt đầu chuyển dạ các bác sĩ GMHS kết hợp với sản khoa tiến hành đặt ống catheter ngoài màng cứng vùng thắt lưng sau đó bơm thuốc Bupivacain làm tê liệt hệ thần kinh đau.
Tuy nhiên loại thuốc này chỉ được phép hòa loãng ít hơn gấp 4 lần so với khi sinh mổ, nồng độ 0,125%. Sau khi bơm thuốc này vào, bác sĩ sẽ theo dõi từ 2 đến 3 giờ sau đó cho sản phụ sinh thường mà hoàn toàn không còn cảm thấy đau đớn gì.
Tổng chi phí cho mỗi lần thực hiện phương pháp đẻ không đau tại Trung tâm điều trị theo yêu cầu và Quốc tế - Bệnh viện T. Ư Huế là 8 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với số tiền cho mỗi lần chi trả sinh mổ tại trung tâm này.
Đặc biệt là hạn chế tai biến ở mức thấp nhất, “hạn chế những ca sinh mổ oan”. Đồng thời phương pháp mới này cũng rất tốt cho những sản phụ có tiền sử bệnh lý về tim mạch.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Bạch Cẩm An - Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Quốc tế Huế), các lợi ích khi “đẻ không đau” là kỹ thuật an toàn, không gây ảnh hưởng đến sức rặn đẻ của sản phụ, không gây đẻ khó, không làm tăng tỷ lệ mổ đẻ.
Nếu khi đẻ thường theo kỹ thuật “đẻ không đau” thất bại thì vẫn triển khai mổ đẻ nhanh chóng. Hiện đội ngũ y bác sĩ 2 khoa Sản và Gây mê Hồi sức ở Bệnh viện quốc tế đã làm tốt kỹ thuật này.
Kỹ thuật “đẻ không đau” thường gọi, thực chất là phương pháp gây tê ngoài màng cứng, tiêm thuốc gây tê vào vùng cột sống ở thắt lưng, nơi có các dây thần kinh nhận cảm giác đau vùng bụng dưới.
Thuốc tê giúp sản phụ không đau đớn, trong khi cơn co tử cung thúc đẩy chuyển dạ vẫn xảy ra. Thuốc tê có thể kéo dài khả năng giảm đau cho việc khâu tầng sinh môn sau đẻ. Thuốc tê tại chỗ cũng có ưu điểm là không qua nhau thai để vào cơ thể thai nhi.
Hiện nay, phương pháp giảm đau trong chuyển dạ bằng gây tê ngoài màng cứng được các tác giả thống nhất là phương pháp an toàn, hiệu quả cao và được sử dụng rộng rãi tại các nước phát triển như Anh, Pháp, Mĩ. Hàng năm, tại Anh có khoảng 100.000 sản phụ được thực hiện gây tê ngoài màng cứng trong chuyển dạ.
Ở Việt Nam, kỹ thuật đẻ không đau trong chuyển dạ được áp dụng thành công tại các trung tâm sản khoa lớn như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ … Đây thực sự là món quà ý nghĩa mà y học tiến bộ dành cho người phụ nữ ở miền Trung đến thời kỳ chuyển dạ.