Khi người lớn cô đơn

Thứ năm - 03/07/2014 10:08
Khi người lớn cô đơn! nghe có vẽ trừu tượng quá, người lớn và trẻ nhỏ có sự khách biệt không? bạn thật sự là người cô lớn cô đơn không?
Khi người lớn cô đơn
Khi người lớn cô đơn
Cô đơn của một đứa trẻ đơn giản là lúc bên cạnh chúng không có ai. Nhưng cô đơn của người lớn lại là lúc đứng giữa vạn người vẫn thấy tim mình lạnh.

Từ khi còn là một đứa trẻ, cụm từ “người lớn” đã trở thành một nỗi ước ao. Chúng ta mong mỏi được lớn lên với tất cả niềm háo hức và mong ngóng mình có. Thế giới của người lớn lúc đó thật hấp dẫn, thật lung linh, thật mời gọi, đến nỗi mà nó thu hút gần như hầu hết mọi sự chú ý của đám trẻ con.

Dường như chúng ta làm mọi thứ cũng chỉ để lớn, vẫy vùng mãi cũng chỉ để lớn. Từng ngày trôi qua, bàn tay mình lại chạm gần hơn tới miền đất hứa ấy mà không ngờ rằng, để trưởng thành người ta cũng cần phải trả giá. Thậm chí, đó là giá đắt.

Đã bao giờ bạn thấy cô đơn? Đã bao giờ muốn mình được ngược thời gian quay trở về thời trẻ nít?

Đã bao giờ bạn muốn sống với chính con người “mộc” của mình? Không phấn son gì cho tâm hồn đang ngày một ngập ngụa những vết dơ ở phía bên kia tối tăm của cuộc sống?

Đã bao giờ dù đứng trước gương soi đến hàng triệu lần bạn vẫn không dám chắc chắn với câu hỏi rằng mình là ai? Và mình đã từng là ai?

Đã bao giờ bạn chỉ muốn khóc thật to và trốn thật sâu? Đã bao giờ bạn muốn từ bỏ những nhộn nhịp, nhốn nháo ngoài kia chỉ để được giấu mình sau vạt áo sờn lưng mẹ? Được ngô nghê như những đứa trẻ ranh lần đầu chập chững học cách làm quen với cuộc sống.

Đã bao giờ, đã bao giờ bạn thấy thế hay chưa?

Đã bao giờ bạn dám chắc cuộc sống của mình đang có những ai? Bạn cần ai, và những ai cần bạn?

Đã bao giờ đi giữa đám đông nhưng bạn vẫn thấy giật mình rằng vì sao lại cô độc quá… Thế giới ngoài kia có bàn tay nào sẵn sàng nắm lấy và ủ ấm bạn hay không?

Đã bao giờ bạn thôi hết băn khoăn, rằng vì sao người ta lại phải lớn? Đã bao giờ bạn ước giá mình cứ bé nhỏ mãi có phải tốt hơn không?

Đó, là cái giá của sự lớn lên!

Cô đơn của một đứa trẻ đơn giản là lúc bên cạnh chúng không có ai. Nhưng cô đơn của người trưởng thành lại là lúc đứng giữa vạn người vẫn thấy tim mình lạnh.

Hoảng loạn của một đứa trẻ là lúc chúng không biết mình bị lạc đường, cứ mãi đi về phía trước dù không biết đó là đâu nhưng cuối cùng rồi vẫn có người tìm ra chúng. Hoảng loạn của người lớn là dù biết chắc chắn mình đang lạc nhưng vẫn mải miết đi. Lúc sững sờ đứng lại để chờ đợi một cánh tay nhưng làm gì còn nữa…

Nỗi buồn lớn nhất của một đứa trẻ chắc là những lúc bị cướp mất đồ chơi. Nhưng nỗi buồn lớn hơn của người trưởng thành là có những thứ của mình nhưng vẫn buộc lòng phải tự tay nhường cho người khác. Trẻ con mất thứ đồ này còn được bố mẹ mua cho cái mới. Còn người lớn, đánh mất rồi biết đòi lại những thứ ấy ở đâu?

Chúng ta hoàn toàn không biết mình lớn lên cho đến một ngày nhận ra mình suy nghĩ nhiều hơn trước, nhận ra đôi mắt mình ít ồn ào hơn trước, nhận ra đôi môi mình mỉm cười vì vui không còn nhiều như trước, và nhận ra gò má mình lâu lắm rồi chẳng có thứ gì chảy ướt nó đi…

Chúng ta đón trưởng thành như một vị khách đường xa. Đến lúc đóng cửa rồi lại hối tiếc vì trót gặp mặt nhau quá sớm. Thực ra, ai cũng có ngày phải lớn! Nhưng nghiệt ngã rằng càng lớn chúng ta lại càng bất an…

Những bất an không tên vô hình ùa về như một đợt gió đông. Những khủng hoảng triền miên, những cô đơn giãy giụa đấu tranh với phần người chưa kịp lớn. Chúng ta vào đời khi chưa kịp thích nghi với tên gọi người lớn. Nên dễ hiểu rồi, chúng ta thấy chông chênh…

Những người lớn vào đời với một nỗi cô đơn, và sống từng ngày để đem mình ra trả giá. Cứ ước là trẻ con, rồi muốn mình là tượng đá. Nhưng rồi có ai tránh được mình phải lớn lên không?

Tác giả bài viết:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tinbai.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Đối tác
vip
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây