Giáo dục xuống cấp
Trong đoạn clip vừa được đăng tải trên các trang mạng thể hiện rõ việc thầy giáo của một trường THPT ở Bình Định gọi 2 học sinh lên bục giảng rồi tát liên tục vào mặt học sinh, sau đó 2 học sinh này lao vào đánh thầy giáo ngay tại lớp. Ý kiến của ông về sự việc này như thế nào?
Theo tôi, vụ thầy giáo gọi học sinh lên bảng rồi dùng tay tát liên tục vào mặt học sinh như trong đoạn clip là sự việc không thể chấp nhận được. Việc giáo viên đánh học sinh đây không phải lần đầu tiên diễn ra mà tình trạng này diễn ra khá lâu khiến dư luận rất bức xúc và lo lắng trước tình trạng đạo đức xuống cấp của giáo viên cũng như học sinh hiện nay. Việc này ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành giáo dục. Qua vụ việc giáo viên đánh 2 học sinh nam trong đoạn clip và việc các học sinh này đánh lại thầy giáo đã nói lên điều đó.
Sự việc này cho thấy đây là tình trạng suy giảm đạo đức trong ngành giáo dục cần phải chấn chỉnh ngay. Các em học sinh chứng kiến cảnh thầy giáo đánh học sinh của mình như vậy là rất phản cảm, phải xử lý nghiêm khắc thầy giáo này. Vấn đề tôi cho là tai họa và ngược đời ở chỗ 2 học sinh bị thầy giáo tát đã đánh lại thầy giáo là không thể chấp nhận được, đáng lên án. Điều này cho thấy, không còn tôn ti trật tự gì nữa trong giáo dục. Đây là hệ quả của một nền giáo dục không đến nơi đến chốn. Đây là câu chuyện đáng buồn, càng phải xử lý nghiêm cả giáo viên và học sinh.
Như ông đã nói tình trạng giáo viên đánh học sinh đây phông phải là lần đầu tiên mà tình trạng này đã tái diễn nhiều lần, theo ông nguyên nhân do đâu?
Vấn đề này thể hiện rõ sự yếu kém của ngành giáo dục hiện nay. Đây là hậu quả của nền giáo dục đào tạo mang tính chất thương mại hóa, giáo dục không được đào tạo đến nơi đến chốn, không nghiêm khắc trong việc tuyển chọn, dạy và học nên đã xảy ra nhiều trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”.
Công tác đổi mới giáo dục năm nào cũng được Bộ Giáo dục đề cập đến nhưng chưa thấy hiệu quả, báo cáo thì hay nhưng điều cần hơn cả là sự đổi mới phải thực chất. Ngày xưa học sinh gặp thầy giáo phải lễ phép đứng nghiêm ngả mũ để chào thầy, tình cảm đó rất thiêng liêng, thầy ra thầy, trò ra trò.
Truyền thống “tôn sư trọng đạo” luôn được đề cao, xã hội đã tôn vinh nghề giáo là người thầy thì các thầy cô giáo luôn phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Còn trường hợp này thầy giáo lại ngang nhiên đánh học sinh ngay trên bục giảng và khiến cả 2 học sinh này lao vào đánh lại trước mặt cả lớp là không thể chấp nhận được và phải xử lý nghiêm.
Tuyển chọn giáo viên chưa nghiêm
Có ý kiến cho rằng để xảy ra tình trạng như vậy do khâu tuyển chọn giáo viên đầu vào còn không nghiêm, có tiêu cực thưa ông?
Tôi cho đó cũng là một lý do. Trong tuyển chọn của ngành giáo dục và y tế thì điều quan trọng là phải xét đến vấn đề đạo đức, có tài mà không có đức thì cũng không sử dụng được. Theo tôi ngay từ khi tuyển chọn giáo viên cần phải xem xét đến đạo đức của người thầy cô giáo. Môn giáo dục công dân, đạo đức cần phải dạy chỉn chu để tạo cho thầy và trò có ý thức hơn trong việc dạy và học.
Trong các cấp học thì môn đạo đức, giáo dục công dân đều có, tuy nhiên việc dạy và học môn này còn bị xem nhẹ thưa ông?
Đúng vậy. Việc dạy môn giáo dục công dân, đạo đức hiện nay còn quá xem nhẹ vì giáo viên lẫn học sinh cho rằng đó không phải là môn học chủ lực nên việc dạy và học còn thờ ơ và các sự việc thầy giáo đánh học sinh và học sinh đánh thầy giáo đã nói lên điều đó.
Như ông đã nói cần xử lý nghiêm cả thầy giáo và học sinh trong vụ việc này, tuy nhiên trách nhiệm của Ban giám hiệu nhà trường thì như thế nào thưa ông?
Theo tôi, ngoài việc xử lý cả giáo viên và học sinh thì trách nhiệm của Ban giám hiệu nhà trường cũng cần phải xem xét và nhận trách nhiệm vì đã không quản lý được giáo viên của mình nên mới dẫn đến sự việc như vậy khiến dư luận bức xúc, thầy không ra thầy trò không ra trò. Không thể để tình trạng như vậy diễn ra trong môi trường sư phạm, đào tạo làm người như vậy được.
Người giáo viên dạy học sinh mà có hành động phản cảm như vậy là không còn đủ tư cách đạo đức xứng đáng làm thầy giáo nữa theo tôi nên kỷ luật, sa thải để răn đe các trường hợp khác.
Xin cảm ơn ông!