Đào tạo theo tín chỉ là hình thức giáo dục đã được áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới. Với hình thức này, sinh viên có thể chủ động sắp xếp được thời gian học theo ý mình, cân bằng được các môn học để tránh tình trạng học quá nhiều các môn lí luận, cảm thấy mệt mỏi và thậm chí sinh viên có thể ra trường sớm hơn nếu đáp ứng đủ các yêu cầu và môn học.
Có nhiều ưu thế và hiệu quả hơn so với hình thức đào tạo giáo dục truyền thống. Tuy nhiên những vấn đề phát sinh từ hình thức đào tạo này lại không ai lường trước được, khiến sinh viên rơi vào tình huống dở khóc dở cười mỗi lần có lịch đăng kí các môn học.
“Chật vật” từ khi bắt đầu…
Hệ thống báo lỗi khi sinh viên đăng ký học tín chỉ
Trương Thương (sinh viên đại học Luật Hà Nội) than thở: “Phải gọi là khủng khiếp mới đúng, để đăng kí được tín chỉ lần nào mình cũng phải thức trắng đêm”.
Cũng như Thương, Thanh Xuân (đại học Khoa Học và Xã Hội Nhân Văn) chỉ biết thốt lên: “Cơn ác mộng” mỗi khi đăng kí học tín chỉ.
Mỗi lần có thông báo đăng kí môn học kì tới, sinh viên đã phải chuẩn bị tâm lí và nghĩ mọi phương án để đăng kí cho được các môn học mới. Thậm chí có những bạn còn phải nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè ngoài trường và anh chị học khóa trên.
Minh Thu (đại học Nông Nghiệp Hà Nội - Khoa Môi trường) kể lại kinh nghiệm của mình: “Mỗi đợt đăng kí phải nhờ người khóa trước đăng kí giữ chỗ trong lớp, hôm sau người đấy hủy thì mình vào đăng kí”.
Thu cho biết thêm: “Trường mình khi bắt đầu đăng kí chỉ cho trên dưới 500 lượt đăng nhập, mạng nội bộ thì mới đăng kí được nên phải kéo nhau lên thư viện trường, đến kí túc xá, phòng máy… để có mạng nội bộ của trường. Nhưng cũng chẳng khá hơn, mạng nội bộ yếu, khi có nhiều người đăng nhập là sẽ sập ngay”.
Quá trình đăng kí tín chỉ diễn ra không lâu, chỉ từ 3 - 5 ngày và sẽ được thông báo trước một tuần. Nhưng công việc đăng kí này hầu hết chỉ diễn ra trong ngày đầu tiên vì những người may mắn đăng nhập được đã đăng kí hết chỗ, ai không đăng kí được đành ngậm ngùi chấp nhận đợi may mắn lần sau.
Nỗi lo không đăng kí được môn học
Vừa đăng kí xong môn học, cô bạn Thanh Xuân (đại học Khoa Học và Xã Hội Nhân Văn Hà Nội lo lắng:“Còn một môn nữa chưa đăng kí được, là môn Lý thuyết quyết định. Kì trước cũng có một môn nhưng giờ trường không mở mấy lớp học môn đấy nữa. Khung chương trình của khóa dưới thì bỏ môn đấy rồi, sợ không ra trường được mất, điên lắm…”
Sinh viên thốt lên đầy cám cảnh mỗi lần đăng ký tín chỉ
Trước khi bắt đầu vào cuộc chiến mang tên “đăng kí tín chỉ”, mọi sinh viên đều phải chuẩn bị trước tâm lí và các phương án dự phòng. Phương Thảo (trường Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng) còn hỏi bạn bè ai có mạng Internet tốt, nhờ bạn canh chừng vào giúp để có thể đăng kí được.
Biết là có lớp mở đợt 2 đấy, nhưng vẫn phải cố đăng kí cho bằng được trong đợt một, vì đợt hai lớp mở thêm rất hạn chế. Nếu không đăng kí được nữa thì đành ngậm ngùi để lại năm sau hoặc kì sau đăng kí tiếp, và chấp nhận việc chậm chương trình học.
Minh Thu (đại học Nông Nghiệp Hà Nội) bức xúc kể: “Có lúc đăng kí được thì không lưu, mất môn, phải thức đêm đăng kí lại. Có những hôm ngồi từ sáng tới chiều không được nổi một môn, hoặc vào được nhưng hết lớp”.
“Đấy là chưa kể có những bạn đăng kí nhầm lịch học, xin hủy nhưng phòng đào tạo không cho hủy, bắt học, mất tiền nhưng không được thi, mà có đi thi cũng không được công nhận”.
Có những sinh viên biến câu chuyện đăng kí tín chỉ thành thơ, hoặc thành những câu chuyện hài châm biếm, thư giãn.
Phương Thảo (trường đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn) khoe bài thơ “Ông tín chỉ” do các bạn sinh viên trong trường chuyển thể từ bài Ông đồ: “Mỗi năm mùa đông đến/Lại thấy ông này về/Bày bàn phím với chuột/Sever đông người qua”.
Nhà trường không đứng ngoài cuộc
Thấy được những khó khăn mà sinh viên gặp phải khi đăng kí tín chỉ các môn học. Nhiều trường đại học đã có những giải pháp giúp sinh viên như mở thêm các lớp đợt 2 cho những môn sinh viên có nhu cầu học nhiều mà hết lớp. Hoặc có trường dùng cách đăng kí trước cho sinh viên một số môn học.
Nguyễn Hà Giang (đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết: “Một số môn nhà trường đăng kí cho rồi, nếu sinh viên muốn chuyển lịch học hoặc đăng kí thêm các môn khác thì mới phải bon chen đăng kí thôi. Hoặc nếu không đăng kí đạt số tín chỉ tối thiểu có thể viết đơn để trường đăng kí. Nhưng thời gian học thì do nhà trường sắp xếp”.
Để tránh tình trạng quá tải hệ thống mạng vào những ngày đăng kí tín chỉ, trường đại học Công Nghiệp Hà Nội đã giao các mảng cho mỗi đội quản lí, nếu có sự cố xảy ra sẽ khắc phục nhanh và ngay tức khắc. Đồng thời kéo dài thời gian đăng kí tín chỉ hơn so với các trường khác.
Nhưng đây cũng mới chỉ là giải pháp trước mắt. Tình trạng sinh viên căng thẳng trong nhưng đợt đăng kí tín chỉ vẫn còn diễn ra thường xuyên. Sinh viên mong muốn nhà trường sẽ có những biện pháp cụ thể hơn nữa, nâng cấp hệ thống mạng của trường để sinh viên có thể thoải mái hơn trong việc đăng kí môn học.
Theo kênh 14