Những hoạt động như đạp, lăn qua lăn lại, nấc cục… ấy tuy nhỏ nhoi nhưng lại hết sức quan trọng trong việc thể hiện sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Những điều dưới đây sẽ giúp mẹ hiểu thêm về chuyện này để có sự chú ý hơn đến bé yêu của mình.
1. Khi nào thì mẹ cảm nhận được bé đạp?
Mẹ có thể cảm nhận được những cử động thai đầu tiên của bé vào khoảng tuần thai thứ 24. Thật ra bé đã có thể hoạt động rõ ràng từ nhiều tuần trước nhưng mọi thứ không diễn ra thường xuyên, vì vậy mẹ không thấy rõ được hoặc thấy rất nhẹ trong thời gian đó.
Nếu mẹ nào có nhau thai bám mặt trước thành tử cung thì có thể sẽ càng không nhận ra sớm cử động của bé yêu. Còn với mẹ nào mang thai bé thứ 2 trở đi thì sẽ sớm nhận ra những “rung động” từ bé, thậm chí nhận ra ngay từ tuần 12.
2. Tại sao bé yêu lại đạp?
Đạp chính là cách phản ứng của bé với những tác động bên ngoài như môi trường quá ồn, có va chạm hay kể cả thức ăn cũng khiến bé di chuyển hay đạp vào bụng mẹ.
Bé còn làm như thế như một cách để thư giãn. Nếu mẹ đi lại nhẹ nhàng thường xuyên sẽ giúp bé thấy dễ chịu và ngủ ngon hơn.
Những mẹ có tập các bài tập thể dục dành riêng cho phụ nữ có thai như yoga thì thai nhi có xu hướng “nằm yên” hơn trong bụng mẹ vì tập thể dục giúp mẹ thư giãn cơ thể hơn, giúp giảm nhịp tim và điều hòa hô hấp; từ đó cũng giúp bé giảm đi những cử động của mình.
3. Bé đạp như thế nào là bình thường?
Bao gồm tất cả các hoạt động của bé, không chỉ nói riêng những cú đạp thì trung bình mỗi ngày bé cử động 15-20 lần là bình thường, tuy nhiên số liệu này còn tùy thuộc vào những bé khác nhau. Nhiều bé chỉ hoàn toàn “chạy nhảy” vào ban ngày hoặc ngược lại, vào ban đêm thôi.
Bé trong bụng mẹ thường ngủ khoảng 17 tiếng mỗi ngày, mỗi lần ngủ tầm 40-50 phút. Nếu mẹ quá bận rộn hay hoạt động nhiều thì sẽ rất khó để chú ý đến những cử động từ bé.
4. Khi nào thì mẹ cần chú ý đến số lần đạp từ bé?
Khi thai nhi lớn dần lên thì số lần đạp cũng sẽ thay đổi theo. Việc lo lắng của nhiều mẹ khi thấy bé ít có hoạt động là bình thường. Đối với những mẹ hay tập thể dục khi mang thai thì không sao, tuy nhiên với nhiều mẹ khác nếu có một số dấu hiệu dưới đây trong giai đoạn lẽ ra bé phải vận động nhiều thì nên chú ý kiểm tra thêm bé yêu của mình:
- Cảm thấy bé đạp ít hơn 10 lần trong khoảng 2 giờ.
- Ít có hoặc không có phản ứng trước những tác động bên ngoài như tiếng ồn, đụng chạm vào bụng hay với tiếng nói trò chuyện từ ba mẹ.
- Có sự giảm dần số lần cử động của bé trong 2 ngày liên tiếp.
5. Cách đếm số lần đạp như thế nào?
Nếu mẹ nghi ngờ bé ít đạp hơn bình thường thì hãy bắt đầu ghi chú lại mọi lần mẹ cảm nhận được từ bé. Cách kiểm tra là ngồi xuống, ăn chút đồ ăn hay uống nước lạnh và gác chân lên cao. Lượng đường trong thức ăn hay nước lạnh sẽ “đánh thức” bé và mẹ sẽ thấy được bé cử động ít nhất 10 lần trong 2 giờ. Các hoạt động này bao gồm lăn, đấm, đạp, chọt tay… vào bụng mẹ.
Nếu mẹ không có được những gì ở trên, hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
6. Việc bé giảm cử động là vấn đề không tốt?
Tuy không phải hoàn toàn nhưng việc giảm hoạt động có thể là dấu hiệu cho thấy bé bị thiếu dưỡng chất và oxy. Mẹ nên kiểm tra sức khỏe của mình và đi khám thai sớm để tìm ra nguyên nhân. Các phương pháp kiểm tra là siêu âm để xác định lượng máu và phản ứng của thai nhi trước các kích thích.
Nếu có vấn đề, các bác sĩ cho mẹ biết liệu có nên sinh sớm để tránh các biến chứng sau này cho bé hay không.
7. Mẹ có cần để ý mỗi ngày?
Việc chú ý cử động thai mỗi ngày là điều quan trọng, nhưng trừ khi mẹ có những vấn đề nguy hiểm khi mang thai thì việc này không quá cần thiết. Phần lớn các mẹ đều bận rộn và không chú ý nhiều, mẹ chỉ thật sự biết được khi bé có những cú đạp mạnh mà thôi.
8. Bé sẽ ít cử động hơn sau tuần 36?
Sau tuần 36 của thai kì, bé sẽ ít có những hoạt động mạnh như quẫy đạp, thay vào đó bé thường hay dùng tay để “khám phá” gương mặt và cơ thể mình, chơi với dây rốn hay thử vươn vai trong “căn phòng” tử cung của mẹ. Một hoạt động khác thường xuyên xảy ra với bé vào lúc này là nấc cục, có nhiều bé sẽ nấc cục vào cùng một thời điểm trong ngày.
9. Cách cử động cho biết trước tính cách sau này của bé?
Nhiều mẹ thường nghe nói nếu bé “khua tay khua chân” nhiều khi ở trong bụng thì sau này sẽ hiếu động, tinh nghịch hơn; còn bé nào “ngoan” thi mẹ mang thai thì lúc ra đời cũng sẽ dễ nuôi hơn. Nhưng liệu những điều này có thật sự đúng?
Một nghiên cứu với 50 trẻ từ lúc sinh ra đến khi 2 tuổi tại trường ĐH John Hopkins (Mỹ) đã cho thấy cử động của thai nhi sẽ có mối liên hệ với việc tự điều chỉnh, kiểm soát và ức chế của trẻ trong những năm đầu đời.
Cử động thai là sự kết nối đầu tiên của bé với thế giới bên ngoài cùng mẹ. Nếu thấy bất cứ điều gì bất thường, mẹ hãy đi kiểm tra sớm để phát hiện ra những vấn đề không hay nếu có.