Có hai điểm bán tại Hà Nội là Cục Phát hành và kho quỹ và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hà Nội.
Tại TP.HCM, địa điểm bán là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM và Chi cục Phát hành và kho quỹ.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc kéo dài bán tiền lưu niệm nhằm tránh tâm lý lo ngại việc bán tiền lưu niệm chỉ thực hiện trong thời gian ngắn của người dân. Ngoài ra cũng là để tạo sự thuận lợi, chủ động cho người dân có nhu cầu mua tiền lưu niệm.
Được biết, ngay sau khi NHNN công bố việc phát hành tờ tiền lưu niệm 100 đồng này, hàng trăm người đã xếp hàng tại các địa điểm trên để có thể sở hữu cho mình một vài tờ tiền lưu niệm.
Nắm bắt được nhu cầu, hàng loạt các page “chợ đen” tiền lưu niệm 100 đồng đã xuất hiện trên mạng xã hội Facebook. Theo đó, các page này rầm rộ quảng cáo và rao bán tiền lưu niệm 100 đồng với số lượng lớn, mức giá gấp 2-3 lần so với giá niêm yết của NHNN.
Một page rao bán tiền lưu niệm 100 đồng số lượng lớn. Ảnh: Báo Pháp luật TP.HCM |
Tại một page có tên “Tiền lưu niệm 100 đồng” mới chỉ được lập trong ngày 15/4 nhưng đã có tới gần 1.000 lượt thích. Page này nhận cung cấp dịch vụ đổi tiền 100 đồng giá rẻ tại Hà Nội với mức giá 50.000 đồng/tờ loại rời và 55.000 đồng/tờ loại folder. Để kích thích người mua, page không quên nhận ship (vận chuyển) hàng trong toàn địa bàn TP Hà Nội, thậm chí là ship miễn phí cho các đơn hàng từ 300.000 đồng trở lên.
Phía bên dưới, hàng chục commnet đăng ký số điện thoại, số lượng tờ tiền của người dùng liên tiếp xuất hiện. Phần lớn khách hàng đều tỏ ra hào hứng và thích thú với loại tiền này, có những người đặt hàng tới cả chục tờ.
Tương tự, tại một page khác mang tên “Bán tiền lưu niệm 100 đồng” cũng quảng cáo rầm rộ về dịch vụ cung cấp tiền lưu niệm. Theo đó, page này cho biết sắp nhận được một lô hàng tiền lưu niệm 100 đồng với số lượng lớn, dự kiến sẽ bán lại với giá 100.000 đồng/tờ, người dùng nào nhanh tay đăng ký sẽ được ưu tiên bán trước.
Không chỉ có chợ đen nở rộ, trước đó, báo chí cũng đưa tin một số tiểu thương, ngay sau khi mua được tờ 100 đồng tại các điểm bán ở Hà Nội đã bán sang tay cho người khác với mức 40.000 - 50.000 đồng/tờ tùy theo số seri đẹp, xấu của tờ
Theo anh Nguyễn Quốc Tuấn (một người sưu tập tiền lâu năm ở Hà Nội): “Hầu hết các tờ tiền lưu niệm bao giờ cũng được dân mua bán, trao đổi tiền trên mạng đưa giá cao hơn bình thường vì đó là những tờ được phát hành vào các dịp đặc biệt, hoặc có số lượng ít sau nhiều năm phát hành.
Riêng với tờ 100 đồng, nhiều nơi “hét” giá bán có thể vì những đồng tiền này đang rất “hot”, lại vừa ra mắt. Phần có thể do những tờ tiền mà bán giá cao có seri đẹp. Rất nhiều lý do để các tiểu thương nâng giá tờ tiền. Một số người đơn giản vì kinh doanh lấy lãi, đã mất công xếp hàng để mua tờ tiền nên lấy công, tăng giá gấp 2-3 lần”.
“Tuy nhiên, theo tôi, người dân nếu muốn sở hữu tờ 100 đồng thì nên đi mua trực tiếp tại điểm bán, vừa không bị đội giá, mà thủ tục cũng đơn giản. Hình thức mua online chủ yếu do khách không ở Hà Nội mua trực tiếp lựa chọn, nhưng đôi khi cũng có những rủi ro khó lường trước. Vừa đắt hơn về chi phí mua, cộng thêm phí vận chuyển, số tiền bỏ ra mua tờ 100 đồng cao hơn giá bán thực 2-3 lần là điều chắc chắn”.
Chị Mai Nguyễn (Cầu Giấy, Hà Nội), một người mua tiền lưu niệm 100 đồng qua Facebook, chia sẻ: “Mình thấy đồng tiền này khá đẹp nên cũng muốn mua 1-2 tờ làm kỷ niệm nhưng nhìn mọi người phải xếp hàng, thậm chí là thuê người đứng chờ mới có thể mua tại nơi phát hành nên cũng hơi nản. Với công sức đó, mình sẽ chọn mua qua Facebook, mặc dù giá cả chênh lệch khoảng 20.000-30.000 đồng/tờ nhưng mình mua số lượng ít nên có thể chấp nhận được”.
Bên cạnh đó, còn nhiều ý kiến cho rằng, đồng tiền lưu niệm 100 đồng mang tính biểu tượng quốc gia, đồng thời cũng là món quà lưu niệm hiếm có, đẹp để tặng bạn bè, người thân.
Được biết, loại tiền 100 đồng này có mệnh giá tượng trưng, không có giá trị thanh toán. Tiền 100 đồng có kích thước 82mm x 163mm; sản xuất bằng giấy cotton.
Để sản xuất loại tiền này, Ngân hàng Nhà nước đã hợp tác với 4 đối tác nước ngoài về giấy, mực in, thiết bị bảo an... Tiền này được in tại Nhà máy In tiền Quốc gia Việt Nam.
Thanh Giang